Việt Nam còn là ‘của tôi’
Trong suốt thời gian thực hiện cuốn truyện tranh “Sống”, tác giả Hải Anh đã khám phá những phần về mẹ (đạo diễn Hải Linh) mà cô chưa biết, cũng là một phần của lịch sử và văn hóa Việt Nam mà cô chưa từng nghe đến...
Tác giả Hải Anh (giữa) tại lễ ra mắt sách tại Việt Nam. (Ảnh: Giáng Ngọc) |
Chia sẻ với TG&VN, Hải Anh cho biết bây giờ cô đã nhận ra Việt Nam không chỉ của bố mẹ, mà còn là của mình. Đặc biệt, việc tác phẩm đầu tay được phát hành bản tiếng Việt minh chứng được tình cảm mà cô dành cho quê hương và nguồn cội...
Sinh ra và lớn lên tại Pháp, động lực gì khiến bạn tự tin viết một cuốn truyện về đề tài chiến tranh ở Việt Nam?
Tôi lớn lên ở Paris trong một gia đình gắn bó với cội nguồn Việt Nam. Mẹ tôi là một đạo diễn năng động, thường xuyên đi công tác để tham dự các liên hoan phim hoặc quay chính phim của mình.
Khi ở nhà, tôi thường nghe bà chia sẻ những chuyến phiêu lưu hoặc những câu chuyện thời còn sống ở chiến khu.
Mỗi lần chúng tôi có khách đến nhà, bà lại kể những câu chuyện rất ly kỳ, khó tin. Tôi phải nói rằng, mẹ tôi là một người kể chuyện tuyệt vời. Có thể tôi còn quá nhỏ để hiểu hết nhưng tôi có thể thấy trên khuôn mặt mọi người ấn tượng như thế nào mỗi khi nghe bà kể chuyện. Tôi sớm nhận ra mẹ tôi rất đặc biệt và cuộc sống của bà cũng vậy.
Sau này, khi nhận thấy rằng những câu chuyện của mẹ không còn xuất hiện trong phim ảnh hay văn học nữa, tôi biết mình sẽ phải kể lại chúng.
Tôi là người ham đọc truyện tranh. Mong muốn viết một cuốn tiểu thuyết đồ họa về quãng thời gian bảy năm ở chiến khu của mẹ đã đến với tôi một cách tự nhiên.
Lần đầu tiên trong đời, với tư cách là một người kể chuyện đầy tham vọng, tôi rất tự tin rằng cuốn sách này sẽ được xuất bản và tôi nên làm việc với Pauline - người bạn thân nhất và cũng là họa sĩ minh họa tài năng của tôi.
Vậy còn lý do và ý nghĩa của tên tác phẩm “Sống”?
Tôi luôn biết tựa sách sẽ là tiếng Việt. Điều đó là hiển nhiên vì đây là ngôn ngữ gắn kết tôi với mẹ và cội nguồn của mình.
Tôi đã nhấn mạnh điều này với nhà xuất bản Pháp, ngay cả khi tên tác phẩm sẽ khiến người Pháp khó tìm thấy trên mạng vì họ không có dấu phụ trên bàn phím.
“Sống” là từ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi khi mẹ bắt đầu chia sẻ câu chuyện của bà. Đây luôn là từ tiếng Việt mà tôi thích. Tôi thấy nó nghe rất hay và tất nhiên tôi cũng thích ý nghĩa của nó.
Ký ức của mẹ tôi thật khó tin nhưng đó chỉ đơn giản là câu chuyện về cuộc đời của mẹ, cũng là cuộc đời của bao người phụ nữ khác ở chiến khu trong thời kỳ chiến tranh.
Cuối cùng, tôi gọi nó là Sống vì tôi muốn câu chuyện của mẹ tôi tồn tại mãi mãi.
Bạn chia sẻ rằng trước đây có suy nghĩ văn hóa Pháp là của mình, còn văn hóa Việt là của bố mẹ. Điều này đã thay đổi như thế nào?
Trong ba năm thực hiện tác phẩm Sống, tôi đã khám phá những phần của mẹ mà tôi chưa biết, cũng là một phần của lịch sử, văn hóa Việt Nam mà tôi chưa từng nghe đến.
Tôi về Việt Nam thường xuyên hơn để phỏng vấn và gặp mẹ tôi. Năm 2020, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, tôi đã yêu Thành phố Hồ Chí Minh và chuyển đến đây sống. Tôi cảm thấy khi trưởng thành, Việt Nam không chỉ của bố mẹ mà còn là của tôi.
Bìa cuốn truyện tranh Sống. (Nguồn: NXB Kim Đồng) |
Đạo diễn Việt Linh từng nói rằng, bà có phương pháp rất đặc biệt để dạy tiếng Việt cũng như giúp con gái không quên đi tiếng mẹ đẻ. Bạn chia sẻ cụ thể hơn về phương pháp này?
Không giống như những đứa trẻ Việt kiều khác lớn lên ở nước ngoài, tôi luôn từ chối học tiếng Việt với giáo viên. Tôi nói với bố mẹ rằng nếu bị ép học tiếng Việt ở trường, tôi sẽ bắt đầu ghét nó.
Vậy mà bố mẹ tôi đã kiên nhẫn tìm mọi cách để giữ tiếng Việt ở nhà và dạy tôi ngôn ngữ tuyệt đẹp này để tôi có thể nói, đọc và viết như ngày nay. Đây không phải là một việc dễ dàng đối với các gia đình Việt kiều.
Tôi nhớ mẹ đã bảo tôi đọc từng tựa báo, viết email hoặc thư cho mẹ. Hè nào chúng tôi về Việt Nam, bà lại giới thiệu tôi với bạn bè Việt Nam và bảo tôi đọc từng biển hiệu trên đường phố…
Hầu hết, bố mẹ tôi đều tìm mọi cách để khiến tôi muốn tự học, luôn muốn tiến bộ và luôn tò mò về ngôn ngữ thứ hai này.
Có mẹ là một trong những đạo diễn đương đại nổi tiếng của Việt Nam, bản thân cũng có bằng Thạc sĩ về văn hóa và điện ảnh, liệu tương lai, bạn có theo đuổi nghề của mẹ?
Tôi lớn lên với suy nghĩ mình sẽ không bao giờ làm được nghề của mẹ. Tôi từng giận điện ảnh một thời gian vì nó đã cướp mất mẹ tôi. Tôi cũng nghĩ đó là chuyện của bà và tôi không muốn đưa ra lý do để mọi người bắt đầu so sánh tôi với mẹ. Tôi luôn nghĩ mình kém “ngầu” hơn bà.
Để rồi, khi bước sang tuổi 20, tôi hiểu rằng, bố mẹ đã khiến tôi yêu thích điện ảnh từ khi còn nhỏ và sâu thẳm tôi cũng muốn làm phim. Tôi theo học trường điện ảnh và làm việc trong lĩnh vực điện ảnh ở Pháp và Việt Nam.
Tôi đã nghỉ việc sau khi tốt nghiệp để làm việc trong lĩnh vực sách nhưng tôi sẽ sớm quay trở lại với bộ phim đầu tay của mình. Tôi nóng lòng chờ đợi điều này!
Người đọc Việt Nam khá tò mò và bất ngờ khi cuốn sách về con người và đất nước Việt Nam do một họa sĩ trẻ người Pháp minh họa. Các bạn đã hợp tác và cùng nhau làm việc thế nào để mang lại tác phẩm tuyệt vời như vậy?
Điều đầu tiên giúp Pauline vẽ Sống là do cô ấy đã biết rõ tôi từ khi còn nhỏ. Thứ hai, cô đã đồng hành cùng tôi suốt chín tháng tại Việt Nam. Điều này giúp cô cảm nhận rất nhiều về màu sắc, bầu không khí và con người...
Tôi và mẹ cũng cung cấp cho Pauline rất nhiều tài liệu về lịch sử, được tiếp cận với bộ phim tài liệu do ông nội tôi làm. Chúng tôi phải trao đổi giữa văn bản và bản vẽ rất nhiều khi xây dựng cốt truyện, để điều chỉnh câu chuyện sao cho trôi chảy nhất có thể. Câu chuyện chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa mẹ và con gái, vào việc truyền tải cảm xúc...
Chúng tôi hy vọng rằng mọi độc giả đều liên hệ và cảm nhận được nó theo một cách nào đó, bất kể họ đến từ đâu.
“Sống” đều là tác phẩm đầu tay của hai người. Với những thành công ban đầu này, trong thời gian tới, các bạn dự định có những kế hoạch hợp tác gì không?
Chúng tôi đã có cơ hội làm một tiểu thuyết đồ họa truyện ngắn khác ngay sau Sống. Truyện tranh này nói về mèo và là số đặc biệt của tạp chí Métal Hurlant. Điều này đã cho chúng tôi cơ hội thử nghiệm tiểu thuyết, một thể loại mà chúng tôi đặc biệt yêu thích.
Chúng tôi hy vọng sẽ cùng nhau thực hiện những dự án lớn hơn, nhưng có lẽ trong tương lai xa hơn vì cả hai chúng tôi đều rất bận rộn.
Hải Anh sinh năm 1993, lớn lên ở quận 13 Paris, Pháp. Sau khi lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế, văn hoá và điện ảnh, cô ra mắt cuốn sách Sống - tác phẩm đầu tay với tư cách tác giả - biên kịch cùng họa sĩ Pháp Pauline Guitton. Hiện cô làm việc trong lĩnh vực nghe nhìn và xuất bản, đi lại giữa Việt Nam và Pháp. Với Sống cùng nhiều hoạt động khác, cô được tạp chí Forbes vinh danh Những gương mặt trẻ xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á năm 2023. Sống là câu chuyện về một người mẹ kể cho con mình nghe về quãng thời gian bà sống trong rừng, giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Từ năm 1969-1975, nhân vật chính đã có bảy năm chung sống với những nhà hoạt động cách mạng. Lấy bối cảnh chính là chiến tranh, các nhân vật hoạt động trong chiến khu để học tập, làm phim, làm việc, góp sức cho công cuộc kháng chiến. Bằng cốt truyện là lời mẹ kể với con gái, bằng nét vẽ sinh động, những trang truyện tranh đã phác ra hình ảnh người thiếu nữ nhỏ bé thích nghi với cuộc sống kháng chiến, cũng là những giao cảm tuổi trẻ của hai thế hệ mẹ - con,kháng chiến - hoà bình,Việt Nam - Pháp. Ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023, cuốn sách nhanh chóng gây ấn tượng với độc giả tại Pháp với 8.000 bản phát hành. Đầu năm 2024, vượt qua rất nhiều tác phẩm sách minh hoạ Pháp ngữ, cuốn sách đoạt giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024 và phát hành bản dịch tiếng Việt vào tháng Ba vừa qua. |
Trọng Vũ/Báo Thế giới và Việt Nam