Việt Nam cùng các nước ASEAN chung tay viết tiếp những câu chuyện thành công, mở ra tương lai
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, gần 3 thập kỷ tham gia, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”. Tới dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự tham gia đông đảo của gần 500 đại biểu đại diện Chính phủ, các đại sứ, học giả, cộng đồng doanh nghiệp và đại biểu từ ASEAN, các đối tác và các tổ chức quốc tế thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hưởng ứng tích cực đối với sáng kiến mới của Việt Nam trong nỗ lực tiếp tục góp phần định hình tương lai chung của ASEAN và khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tới tham dự Diễn đàn (Ảnh: Quang Vinh)
Theo Thủ tướng, bàn về tương lai và hoạch định cho tương lai đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những bước ngoặt lớn, trong đó nổi lên 3 xu hướng chiến lược.
Thủ tướng nêu bật: Một là, xu hướng cạnh tranh phân tách ngày càng gay gắt giữa các khu vực, giữa các nước đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường hòa bình, đoàn kết, hợp tác và phát triển ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Hai là, xu hướng phát triển bùng nổ của các công nghệ mới, số hóa vừa mở ra cơ hội phát triển đột phá vừa tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu, nhất là các nước đang phát triển và kém phát triển.
Ba là, xu hướng phát triển bền vững, bao trùm, kinh tế số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn vừa là cơ hội, vừa tạo sức ép lớn đòi hỏi phải có tư duy, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn diện và toàn dân vì lợi ích lâu dài, bền vững.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng, sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Vai trò trung tâm của ASEAN đang được thừa nhận rộng rãi nhưng có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. ASEAN là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới nhưng chênh lệch trình độ phát triển còn đáng kể, mức độ hợp tác, liên kết nối chưa thực sự bền chặt. Những thực tế đó đòi hỏi ASEAN phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện, nâng cao sự chủ động và khả năng thích ứng để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức, phát triển ổn định và bền vững.
Thủ tướng khẳng định, gần 3 thập kỷ tham gia, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Con đường phát triển của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập luôn gắn liền với ASEAN và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ chặt chẽ này.
Thành công của Việt Nam khẳng định tính đúng đắn chiến lược của các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng 3 yếu tố nền tảng là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: Quang Vinh)
Bên cạnh 3 nền tảng chính này, Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, cùng phát triển.
Thứ hai là thực hiện đường lối quốc phòng 4 không là không tham gia liên minh quân sự; không đi với nước này để chống nước kia; không cho nước thứ 3 sử dụng lãnh thổ nước mình để chống nước khác, không đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thứ ba là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất. Thứ 4 là bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Thứ 5 là xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thứ sáu là tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Thủ tướng khẳng định tinh thần xuyên suốt của Việt Nam, đó là lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức vì là nước đang phát triển có nền kinh tế đang chuyển đổi với quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế với các cú sốc bên ngoài.
Đây cũng là những thách thức chung mà nhiều quốc gia ASEAN phải đối mặt trên hành trình phát triển, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, tin tưởng chung sức, đồng lòng tất cả các nước thành viên, sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế.
Chúng ta cùng kiên trì theo đuổi cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và toàn diện để ngôi nhà chung ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh, phát triển nhanh và bền vững. ASEAN đang hướng đến các mục tiêu đến năm 2045 với khát vọng về một Cộng đồng phát triển năng động, gắn kết, tự cường.
Để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2045, Thủ tướng đề nghị thực hiện 5 tăng cường.
Theo đó, thứ nhất là tăng cường đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tính độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN đồng thời tôn trọng sự khác biệt, bảo đảm hài hòa lợi ích, kiên định lập trường, nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Thứ hai là tăng cường tin cậy chiến lược trong ASEAN và trong quan hệ với các đối tác, góp phần ngăn ngừa xung đột, duy trì một môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tạo ra các động lực tăng trưởng mới, bền vững của ASEAN trong thời gian tới.
Thứ tư, bên cạnh làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, chúng ta phải bổ sung thêm động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ năm là tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hợp tác công tư, tạo đột phá về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia, giúp ASEAN phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng tin tưởng rằng, ASEAN đã và đang đóng góp ngày càng chủ động, tích cực với cộng đồng quốc tế trong định hình tương lai của thế giới.
“Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa cùng các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè quốc tế, nhất là các nước ASEAN chung tay viết tiếp những câu chuyện thành công, mở ra tương lai, thống nhất trong đa dạng, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới,lấy con người trung tâm, là chủ thể của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau”-Thủ tướng nêu rõ.
Việt Thắng - https://daidoanket.vn/viet-nam-cung-cac-nuoc-asean-chung-tay-viet-tiep-nhung-cau-chuyen-thanh-cong-mo-ra-tuong-lai-10278209.html