Việt Nam-Hàn Quốc có tiềm năng hợp tác lớn về thương mại thủy, hải sản
Việt Nam và Hàn Quốc cùng có đường bờ biển dài với nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và trao đổi thủy sản được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng và hiệu quả.
Phỏng vấn Bộ trưởng Hải Dương và Thủy sản Hàn Quốc Cho Seung Hwan. (Ảnh: TTXVN phát)
Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 22/12/1992-22/12/2022). Là hai quốc gia cùng có đường bờ biển dài với nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và trao đổi thủy sản được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng và hiệu quả.
Trả lời phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Hải Dương và Thủy sản Hàn Quốc Cho Seung Hwan cho biết, Việt Nam là nguồn cung cấp thủy, hải sản lớn thứ ba của Hàn Quốc, chiếm tới chiếm 13% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Hàn Quốc.
Tính đến cuối năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam lên tới khoảng 800 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam bao gồm tôm và tôm thịt, bạch tuộc.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy, hải sản lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, với các mặt hàng xuất khẩu chính là cá ngừ, tôm, cá La hán và trứng cá.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến người dân Hàn Quốc thay đổi thói quen sinh hoạt, quan tâm nhiều hơn đến các thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tiêu thụ thủy, hải sản, loại thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe, chính vì thế ngày càng gia tăng.
Dù có những lo ngại về suy thoái kinh tế, nhu cầu nhập khẩu thủy, hải sản dự kiến sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nói chung trên thế giới và Hàn Quốc tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc tiếp tục mở rộng do mở cửa thị trường và tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm.
Số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu thủy, hải sản năm 2015 đạt 4,56 tỷ USD, tăng lên 52,6 tỷ USD vào năm 2017 và 57,9 tỷ USD năm 2019 và đến năm 2021 là 61,8 tỷ USD.
Tại Hàn Quốc, mức tiêu thụ thủy, hải sản tiếp tục tăng theo xu hướng ưa chuộng thực phẩm an sinh. Hàn Quốc có mức tiêu thụ thủy, hải sản bình quân đầu người cao nhất thế giới, với mức tiêu thụ nhiều hơn gạo và thịt.
Số liệu thống kê cho thấy mức tiêu thụ thủy, hải sản bình quân đầu người Hàn Quốc hàng năm đã tăng đều đặn và thời điểm 2020 đạt mức 68,4kg, trong khi tiêu thụ gạo là 67,2 kg và thịt là 65,1kg.
Đặc biệt, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại hải sản thân thiện với môi trường và chất lượng cao như cá hồi ngày càng tăng. Do nguồn cung trong nước hạn chế nên nhập khẩu các sản phẩm thủy, hải sản chất lượng cao dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Bộ trưởng Cho Seung Hwan cho biết với vị trí tự nhiên ba mặt được bao bọc bởi biển nên Hàn Quốc có lợi thế là có thể nuôi trồng nhiều loại thủy sản. Tận dụng lợi thế này, Hàn Quốc đang nuôi trồng tổng cộng khoảng 76 loài, bao gồm cá, động vật có vỏ, rong biển và động vật giáp xác.
Việc áp dụng công nghệ đã được đầu tư rất sớm với mục tiêu phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường để tiến tới nuôi trồng thủy sản bền vững. Hiện nay, Hàn Quốc ứng dụng công nghệ biofloc không xả nước thải từ các trang trại nuôi trồng gây ô nhiễm môi trường.
[Xuất khẩu thủy sản về trạng thái bình thường mới, có tín hiệu hồi phục]
Công nghệ Biofloc tiến hành phân hủy phân có hại của sinh vật nuôi thành vi sinh vật có lợi trong bể. Nước này đang phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản được gọi là aquaponics. Đây có thể xem là mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy canh, cho phép thực vật hấp thụ phân của các sinh vật nuôi làm chất dinh dưỡng.
Phát triển công nghệ cũng đang được tiến hành để chuyển đổi nuôi trồng thủy sản truyền thống thành nuôi trồng thủy sản thông minh dựa trên các dữ liệu. Việc chuẩn hóa các chỉ tiêu nuôi trồng trong suốt quá trình sản xuất đang được áp dụng.
Bộ trưởng Hải Dương và Thủy sản Hàn Quốc Cho Seung Hwan trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: TTXVN phát)
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang phát triển công nghệ nhân giống dựa trên phân tích bộ gene gốc của các loài thủy sản để dự đoán mức độ phát triển, tình trạng bệnh tật...
Cùng với đó, Hàn Quốc cũng xây dựng các "cụm nuôi trồng thủy sản thông minh’ tại sáu địa điểm ở các vùng biển phía Đông, Tây và Nam. Tại đây, các công ty công nghệ và người dân tham gia nuôi trồng thủy sản có thể hợp tác để ứng dụng các công nghệ nuôi trồng an toàn và tiên tiến nhất.
Theo Bộ trưởng Cho Seung Hwan, từ đầu năm nay, Hàn Quốc đã triển khai thực hiện "Dự án nâng cao năng suất ngành nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc Việt Nam." Trọng tâm của dự án này là nghiên cứu chung và hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất nuôi động vật giáp xác ở vùng biển phía Bắc Việt Nam gắn với tái tạo rừng ngập mặn.
Dự án này bao gồm việc tăng cường đào tạo và chuyên giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực địa phương liên quan đến nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam để đảm bảo sự ổn định của hoạt động kinh doanh. Tổng đầu tư của dự án giai đoạn 2022-2026 là 4,5 tỷ won (khoảng 3,4 triệu USD).
Ông hy vọng rằng hai nước sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững thông qua hợp tác phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản thông minh và thân thiện với môi trường với Việt Nam trong tương lai.
Bộ trưởng Cho Seung Hwan đề cập đến việc Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc những năm qua đã và đang thúc đẩy một số dự án hợp tác với Việt Nam để tăng cường năng lực hàng hải và nghề cá sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức. Không chỉ trong lĩnh vực thương mại thủy sản, hai bên cũng đang hợp tác về tham vấn chính sách an toàn hàng hải.
Cùng với đó, hợp tác phát triển cảng biển cũng được đẩy mạnh. Trong lĩnh vực vận tải biển tư nhân, Hàn Quốc đang tăng cường tham gia nghiên cứu Việt Nam với tư cách là một trung tâm logistics lớn ở Đông Nam Á.
Từ trước đến nay, Việt Nam là đối tác hợp tác lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực hàng hải và thủy sản, với mối quan hệ tin cậy và tiềm năng phát triển chung giữa hai nước, Bộ trưởng Cho Seung Hwan hy vọng rằng hai nước sẽ phát huy vai trò là quốc gia đối tác quan trọng trong khu vực của nhau trong tương lai.
Đặc biệt, kết quả của nghiên cứu khả thi phát triển cảng Việt Nam được thực hiện sau khi ký Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển cảng năm 2018 cuối cùng đã được nêu trong "Quy hoạch cơ bản 2030 về cảng ở Việt Nam."
Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực đào tạo kỹ sư hàng hải kể từ năm 2020. Bộ trưởng Cho Seung Hwan hy vọng rằng với công nghệ xây dựng phát triển, các công ty Hàn Quốc sẽ có cơ hội tham gia và chia sẻ với Việt Nam trong các dự án phát triển cảng biển. Hai nước có thể cùng nhau hợp tác trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải trên biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.../.
Khánh Vân (TTXVN/Vietnam+)