Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin, bình đẳng và hành động quốc gia trong sẵn sàng ứng phó và phòng chống dịch bệnh
Baoquocte.vn. Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh tại sự kiện ra mắt Báo cáo của IFRC về Thảm họa toàn cầu năm 2022 với chủ đề “Lòng tin, bình đẳng và hành động địa phương: bài học từ Covid-19 để ứng phó tốt hơn với khủng hoảng toàn cầu tiếp theo”.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại sự kiện ra mắt Báo cáo của IFRC về Thảm họa toàn cầu năm 2022 trong sẵn sàng ứng phó và phòng chống dịch bệnh. |
Ngày 19/4, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cùng Phái đoàn thường trực Australia tại LHQ và Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tổ chức sự kiện ra mắt Báo cáo của IFRC về Thảm họa toàn cầu năm 2022 với chủ đề “Lòng tin, bình đẳng và hành động địa phương: bài học từ Covid-19 để ứng phó tốt hơn với khủng hoảng toàn cầu tiếp theo”.
Tham dự sự kiện có gần 40 đại biểu từ các nước, các tổ chức LHQ.
Báo cáo của IFRC nhấn mạnh thế giới đã thiếu sẵn sàng trong ứng phó với một đại dịch như Covid-19 và kiến nghị cần xây dựng lòng tin của người dân vào khả năng ứng phó với thảm họa, xử lý bất bình đẳng trong tiếp cận thuốc men, y tế giữa các nước cũng như các khu vực khác nhau trong một nước và tăng cường năng lực, vai trò của các cộng đồng địa phương trong xử lý các thách thức về y tế.
Các đại biểu tham dự đánh giá cao việc Việt Nam, Australia và IFRC tổ chức sự kiện này và cho rằng các khuyến nghị trong báo cáo là nguồn tham khảo quý giá cho các nước thành viên Liên hợp quốc trong tham gia và thúc đẩy các tiến trình lớn trong năm nay, đặc biệt là Tiến trình kiểm điểm giữa kỳ Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai và Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh.
Phát biểu dẫn đề tại sự kiện, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, Việt Nam nhận thức từ sớm tầm quan trọng của sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, thông qua việc tăng cường hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương.
Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế về sẵn sàng phòng chống dịch bệnh, qua đó nâng cao khả năng sẵn sàng của cộng đồng quốc tế để ứng phó sớm và đầy đủ với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Cùng với Australia và các nước khác, Việt Nam đã thúc đẩy Đại hội đồng thông qua Nghị quyết về tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh và sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị cho Phiên họp này.
Đại sứ đánh giá khuyến nghị của IFRC rất đáng xem xét, có thể góp phần tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu để ứng phó tốt hơn với các nguy cơ về y tế trong tương lai. Con người cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh và đóng vai trò quan trọng trong triển khai các chính sách này.
Các đại biểu tham dự sự kiện. |
Việc xử lý thông tin giả và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về dịch bệnh và nỗ lực của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng cho nỗ lực này
Đại sứ cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung vào xử lý bất bình đẳng trong tiếp cận với vaccine, chẩn đoán và điều trị bệnh. Việt Nam trân trọng sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng cũng khẳng định các nước đang phát triển cần phải được tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ y tế tiên tiến, thông qua chuyển giao công nghệ và chính thức.
Việt Nam tin rằng tăng cường năng lực y tế quốc gia, từ cấp cơ sở sẽ đóng vai trò cốt lõi trong ứng phó với các dịch bệnh trong tương lai, thông qua tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ. Các chính sách đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội và đời sống của người dân cũng bổ trợ hiệu quả cho các nỗ lực chống dịch.
CHU AN/Baoquocte.vn.