Việt Nam - Thụy Điển: Triển vọng hợp tác mạnh mẽ từ tình bạn hơn nửa thế kỷ
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe đã có bài viết về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó khăng khít giữa hai nước.
Ngày 11/1/2024 đánh dấu 55 năm ngày Việt Nam và Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao (11/1/1969-11/1/2024). Suốt 55 năm qua, hai nước đã tích cực xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp này, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe đã có bài viết về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó khăng khít giữa hai nước.
Vào thời điểm chiến tranh ác liệt, ngày 11/1/1969, Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Mối quan hệ này đã tiếp tục phát triển và mở rộng suốt 55 năm qua.
Được đặc trưng bởi sự toàn diện, tin cậy và hữu nghị, sau 55 năm, mối quan hệ này đang phát triển rất mạnh mẽ.
Trong vai trò Đại sứ Thụy Điển, tôi rất vui mừng được suy ngẫm về lịch sử mối quan hệ giữa hai nước và cũng như mối quan hệ đối tác bền chặt, sâu sắc, bền vững giữa hai quốc gia.
Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam)
Sự hỗ trợ của Thụy Điển đối với Việt Nam bắt nguồn từ các phong trào đoàn kết xuất hiện trong thời chiến. Thụy Điển tiếp tục đứng về phía Việt Nam và hỗ trợ đáng kể cho việc tái thiết và phát triển của Việt Nam sau chiến tranh.
Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển tại Uông Bí và Nhà máy Giấy Bãi Bằng là những biểu tượng mang tính đại diện và lâu dài từ thời kỳ này. Sau hơn 40 năm, tất cả các dự án này vẫn đang hoạt động. Nhà máy Giấy Bãi Bằng, tuy ban đầu gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng hiện nay đã trở thành một trong những nhà sản xuất giấy chất lượng cao lớn nhất tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, sáng 9/4/1974, tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Stockholm, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Thụy Điển từ ngày 8-11/4/1974. (Ảnh: TTXVN)
Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, sự hỗ trợ đã phát triển thành các chương trình rộng rãi, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, nghiên cứu, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, đào tạo báo chí, cải cách pháp lý, kinh tế, tư pháp, bình đẳng giới và các dự án về môi trường và chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 46 năm, chương trình hợp tác phát triển giữa Thụy Điển và Việt Nam đã đóng góp hơn 3,4 tỷ USD vào sự phát triển xã hội và kinh tế của Việt Nam. Đánh giá về hợp tác phát triển song phương cho thấy viện trợ của Thụy Điển đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hàng triệu người Việt thoát khỏi đói nghèo và đóng góp vào việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp hiện nay.
Công trình Bệnh viện Nhi Thụy Điển (nay bệnh viện Nhi Trung ương) - một trong hai bệnh viện lớn do Chính phủ Thụy Điển giúp Việt Nam xây dựng (ảnh năm 1981)
Mặc dù chương trình hợp tác phát triển song phương đã kết thúc từ một thập kỷ trước nhưng các chương trình khu vực và toàn cầu khác tiếp tục mang lại lợi ích cho Việt Nam trong các lĩnh vực như đào tạo truyền thông, quản lý rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đối thoại tại nơi làm việc.
THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ
Một mối quan hệ bắt đầu thông qua viện trợ và hợp tác phát triển đã phát triển thành quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa vào thương mại và đầu tư, đối thoại chính trị, quan hệ giữa người dân hai nước và sự hiểu biết, chia sẻ chuyên môn giữa hai đối tác bình đẳng.
Sau Đổi mới với những cải cách kinh tế và những nỗ lực không ngừng của Việt Nam để phát triển và hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, thành tựu kinh tế trong những thập kỷ gần đây đã giúp đất nước cải thiện trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ số đổi mới sáng tạo trên thế giới. Ngày nay, cùng với những tham vọng cao của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và bền vững, Việt Nam và Thụy Điển cũng có tiềm năng lớn để thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn diện.
Thứ trưởng Ngoại thương Đinh Phú Định và Trưởng đoàn Kinh tế Chính phủ Vương quốc Thụy Điển ký Hiệp định và văn kiện viện trợ cho Việt Nam phát triển kinh tế giai đoạn 1987-1989. (Ảnh: TTXVN)
Thụy Điển nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai bên càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020. Mặc dù đối mặt với những thách thức của đại dịch COVID-19, mối quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn không bị gián đoạn và tiếp tục phát triển trong những năm gần đây.
Công ty Thụy Điển ngày càng quan tâm đến việc đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Rất nhiều công ty Thụy Điển như Ericsson, ABB, Tetra Pak, IKEA, Electrolux, AstraZeneca, Volvo, Hitachi Energy, H&M, SKF, Hestra, Polarium, Oriflame... đã và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, các công ty mới cũng đang tìm cách thành lập đại diện để tiếp cận thị trường năng động của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thụy Điển Urban Ahlin thăm nhà máy thiết bị điện cao thế và trung thế của Công ty Cổ phần Máy biến thế ABB Việt Nam (Tập đoàn ABB) tại tỉnh Bắc Ninh năm 2015. (Ảnh: TTXVN)
Một số ví dụ gần đây đã cho thấy sự hợp tác sâu sắc giữa hai bên:
Thứ nhất, chúng tôi tích cực hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt tập trung vào việc hiện đại hóa mạng lưới điện thông minh và hệ thống truyền tải để tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo rộng lớn của đất nước.
Thứ hai, vào năm 2023, Tổ chức Tài chính Phát triển Thụy Điển (Swedfund) đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình cách mạng hóa quản lý không lưu, nâng cao an toàn, giảm tác động môi trường và tăng cường hiệu quả họat động.
Thứ ba, các công ty Thụy Điển đang mở rộng hoạt động của mình, ví dụ như khoản đầu tư 9 triệu USD gần đây của Hestra Gloves vào nhà máy sản xuất tại Hải Phòng và sáng kiến đột phá "Bloom" của Tetra Pak tại nhà máy Bình Dương - nơi thiết lập một trung tâm đổi mới tiên phong cho ngành thực phẩm và đồ uống.
Thứ tư, chúng tôi cũng vui mừng chào đón kế hoạch của FPT Software để thiết lập một văn phòng tại Gothenburg, thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, trong năm nay.
Và cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, vào tháng 3 năm nay, một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao từ các nước Bắc Âu sẽ tập trung tại Hà Nội trong một hội nghị kéo dài ba ngày để tìm hiểu thị trường Việt Nam năng động. Đây sẽ là đoàn doanh nghiệp Bắc Âu lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, dấu hiệu tiếp tục cho thấy cơ hội hứa hẹn và tiềm năng tăng trưởng trong thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Tôi rất lạc quan về tiềm năng làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại giữa Thụy Điển và Việt Nam. Chúng ta có thể phối hợp chặt chẽ trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, đồng hành với các đối tác năng động ở khu vực tư nhân.
GIAO LƯU VĂN HÓA KẾT NỐI NHÂN DÂN HAI NƯỚC
Thương mại và đầu tư được củng cố song song với hoạt động giao lưu văn hóa và kết nối nhân dân - hai yếu tố quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị giữa Thụy Điển và Việt Nam.
Vô số chuyên gia, bác sỹ, y tá, kỹ sư, đại diện cơ quan chính phủ, nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu trẻ đã di chuyển giữa hai nước chúng ta, thúc đẩy hợp tác và duy trì những mối quan hệ hữu nghị truyền thống.
Sự hợp tác giữa các thành phố và đô thị như Borås và Đà Nẵng, và Piteå và An Giang, được coi là mô hình cho việc hai quốc gia và nhân dân có thể cùng nhau hợp tác để giải quyết các thách thức hiện tại trong quy hoạch đô thị, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong những thập kỷ qua, hàng nghìn sinh viên và các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đi du học tại Thụy Điển trong một học kỳ hoặc nhiều năm - một số người thậm chí ở lại làm việc và đóng góp cho nền kinh tế Thụy Điển.
Cựu sinh viên Việt Nam trở về từ nước ngoài sau thời gian học tại Thụy Điển đã để lại "một phần con tim" ở đất nước Thụy Điển và trở thành một động lực cho quan hệ đối tác song phương. Họ chính là chìa khóa để mở ra và xây dựng quan hệ nhân dân ngày càng gắn kết hơn.
Quan hệ giữa người dân cũng ngày càng gắn kết thông qua việc tăng cường du lịch hai chiều. Trước đại dịch COVID-19, vào năm 2019, hơn 50.000 du khách Thụy Điển đã đến khám phá những kỳ quan của Việt Nam. Chúng tôi đã thấy những tín hiệu lạc quan và nhiệt tình trở lại của các du khách Thụy Điển, với gần 30.000 du khách Thụy Điển đến Việt Nam trong năm 2023. Chúng tôi cũng hy vọng thấy nhiều du khách Việt Nam trải nghiệm những gì mà Thụy Điển có thể mang đến.
Giao thoa văn hóa thông qua du lịch giúp củng cố tình bạn giữa nhân dân và tạo điều kiện cho sự hiểu biết, đánh giá cao lẫn nhau giữa người dân hai nước.
Dàn hợp xướng thính phòng Gustav Sjokvist Thụy Điển biểu diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Hợp tác văn hóa là một yếu tố quan trọng được chú trọng trong quan hệ song phương, từ văn học và âm nhạc Thụy Điển được đọc và thưởng thức tại Việt Nam cho đến các dự án hợp tác âm nhạc của các trường đại học hoặc những hoạt động trao đổi văn hóa sôi nổi được nuôi dưỡng thông qua hợp tác giáo dục. Sự sáng tạo của các nghệ sỹ Việt Nam và Thụy Điển làm phong phú thêm những kết quả tốt đẹp về hợp tác văn hóa và làm nổi bật sự đa dạng mà chúng ta cùng chia sẻ.
TIẾP TỤC CÁC CUỘC TRAO ĐỔI CẤP CAO
Chúng ta cùng nhìn lại những cuộc trao đổi cấp cao quan trọng giúp củng cố thêm quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển trong những năm qua.
Trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thăm Thụy Điển vào tháng 5 để tham dự Diễn đàn Bộ trưởng EU-Thái Bình Dương được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, trong đó bà cũng có các cuộc họp song phương quan trọng với các đối tác Thụy Điển.
Vào tháng 10, chúng tôi rất vui mừng khi bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thăm và làm việc tại Thụy Điển.
Bà Trương Thị Mai làm việc với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thuỵ Điển Morgan Johansson (thứ 3, từ trái sang) trong chuyến thăm Thụy Điển cuối tháng 10/2023. (Ảnh: TTXVN)
Vào tháng 12, trong khuôn khổ Hội nghị COP28 về Biến đổi khí hậu tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ulf Kristersson đã gặp nhau để thảo luận về các lĩnh vực mà Việt Nam và Thụy Điển có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong bối cảnh năm 2024 là một năm quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước.
Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cuộc thăm và trao đổi cấp cao song phương.
2024 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO - CỞI MỞ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thụy Điển có thế mạnh và nổi tiếng về công nghệ xanh và các giải pháp bền vững, rất phù hợp với những mục tiêu tham vọng và chiến lược của Việt Nam về tăng trưởng xanh và bền vững.
Thụy Điển là một quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, liên tục xếp hạng nhóm đầu trong Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII). Trong khi đó, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể, tăng hai vị trí để đạt vị trí thứ 46 về chỉ số này năm 2023. Việt Nam cũng là một trong số ít các nền kinh tế thu nhập trung bình đã có sự tiến bộ nhanh nhất trong bảng xếp hạng GII trong một thập kỷ qua.
Trong chương trình tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chiều 2/12/2023 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. (Ảnh: TTXVN)
Về mặt bền vững, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ đưa phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050. Nằm trong cam kết này, Việt Nam đã nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến lược và chính sách của mình và cập nhật điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon. Thụy Điển xếp thứ hai thế giới trong Báo cáo Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (trước đây được biết đến là Chỉ số và Mục tiêu Phát triển Bền vững) và dẫn đầu bảng xếp hạng Cạnh tranh Bền vững Toàn cầu.
Chúng tôi rất mong muốn được làm việc chặt chẽ hơn với Việt Nam, tận dụng chuyên môn và lợi thế của mình để bổ sung những điểm mạnh và nâng cao sự cạnh tranh của Việt Nam. Mô hình Xanh của Thụy Điển nhấn mạnh mô hình bốn xoắn của sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, khối học thuật và xã hội dân sự.
Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục chia sẻ chuyên môn và hợp tác thông qua tất cả các kênh để đạt được sự chuyển đổi xanh ở cấp độ song phương cũng như trong vai trò thành viên Liên minh châu Âu.
Thụy Điển xếp thứ hai trong Báo cáo Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (trước đây được biết đến là Chỉ số và Bảng điều khiển Mục tiêu Phát triển Bền vững) và dẫn đầu Bảng xếp hạng Cạnh tranh Bền vững Toàn cầu. Chúng tôi rất mong muốn được làm việc chặt chẽ với Việt Nam, tận dụng chuyên môn của chúng tôi để bổ sung những điểm mạnh và nâng cao sự cạnh tranh của Việt Nam.
Tóm lại, mối quan hệ hữu nghị giữa Thụy Điển và Việt Nam đã vượt qua thử thách của thời gian và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Từ những phong trào đoàn kết trong thời chiến đến những sự hợp tác hiện tại về thương mại và đầu tư, giáo dục và văn hóa, cũng như mối quan hệ mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Những hỗ trợ tài chính đáng kể, chuyên môn về công nghệ xanh, các giải pháp bền vững và cam kết về đổi mới sáng tạo của Thụy Điển có thể tiếp tục góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhìn vào tương lai, tôi mong muốn thấy hai nước chúng ta tích cực khai thác tiềm năng rộng lớn để hợp tác trên tinh thần cởi mở, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Khi Tết Nguyên đán đang đến gần, giai điệu của bài hát "Happy New Year" của ABBA cất lên ở Hà Nội là minh chứng tuyệt đẹp cho sự tương tác lâu dài giữa Thụy Điển và Việt Nam. Thông qua sự hợp tác tiếp tục ở tất cả các cấp độ, chúng ta có thể đạt được sự thịnh vượng chung và tạo ra một tương lai tốt đẹp cho nhân dân hai nước.
Lễ hội Lucia truyền thống của Thụy Điển tổ chức tại Hà Nội ngày 14/12/2023. (Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam)
Theo Vietnam+ - Theo https://thoidai.com.vn/viet-nam-thuy-dien-trien-vong-hop-tac-manh-me-tu-tinh-ban-hon-nua-the-ky-195506.html