Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tăng cường hợp tác với các đề xuất mới
Sáng 20/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp bà Manuela - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chúc mừng bà Mariam J. Sherman với vai trò mới là Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia (từ ngày 1/5/2024).
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao quyết định của WB về việc thành lập văn phòng khu vực tại Hà Nội, phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia đồng thời chia sẻ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với văn phòng khu vực.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi WB là đối tác gần gũi, đáng tin cậy, đã hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, ông cũng cho biết Việt Nam cam kết tăng cường quan hệ đối tác với WB trong các chương trình thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trong tương lai gần.
Đối với việc triển khai các dự án vay của WB trong giai đoạn 2023 - 2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, gần đây, Chính phủ đã thành lập một nhóm công tác do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng nhóm để phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhằm rà soát và giải quyết các thách thức liên quan đến công tác chuẩn bị và triển khai các dự án của WB.
Qua đó sẽ góp phần giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và phê duyệt, đặc biệt là khi có sự khác biệt giữa các quy định của Việt Nam và WB. Ngoài ra, hai bên cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết các thách thức mà các dự án cụ thể đang phải đối mặt.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh đề xuất của WB cho Việt Nam vay trong 5 năm tới tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng (các dự án giao thông quy mô lớn), năng lượng (chuyển đổi năng lượng và năng lượng tái tạo) và nông nghiệp (bao gồm các sáng kiến có lợi cho môi trường như dự án trồng lúa ít khí mêtan).
"Số lượng lớn các đề xuất mới cho các dự án quy mô lớn như vậy sẽ đặt ra thách thức cho cả WB và Việt Nam về mặt chuẩn bị dự án", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ đã tích cực chỉ đạo nhiều bộ, ngành thảo luận, làm rõ những khác biệt về chính sách với WB và đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị và đàm phán dự án.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị WB tiếp tục đơn giản hóa quy trình phê duyệt và áp dụng cách tiếp cận linh hoạt trong quá trình đàm phán để giải quyết các thách thức.
Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng khu vực của WB tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị và tăng cường giải quyết các trường hợp có sự khác biệt giữa các quy định của Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới.
Trước những đề xuất trên, bà Manuela cho biết, mục đích chuyến công tác lần này là thảo luận để làm thế nào Việt Nam có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Việt Nam đã hưởng lợi từ sự rộng mở của thương mại quốc tế.
Vì vậy, WB rất mong hỗ trợ Việt Nam tìm ra những cơ hội, xác định được những rủi ro, đồng thời xác định được những khoản đầu tư phù hợp để phát huy được những kịch bản đã đề ra cho con đường phát triển. Mặt khác, WB sẽ lồng ghép các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong các hoạt động tài trợ, luôn đưa ra những hỗ trợ sao cho phù hợp với bối cảnh, nhu cầu đầu tư phát triển và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển tới đây.
Ngoài ra, bà Manuela cũng ghi nhận đã có sự cải thiện trong tiến độ giải ngân các dự án vay của WB tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn chậm. Theo bà, một trong những lợi thế khi Việt Nam có mức thu nhập cao hơn, đó là có điều kiện và có khả năng tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, huy động được vốn ở trong nước mang tính chất cạnh tranh, huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho quá trình phát triển của mình.
Thanh An - Theo https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-va-ngan-hang-the-gioi-tang-cuong-hop-tac-voi-cac-de-xuat-moi-314672.html