Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh, đạt 31,15 tỷ USD ​

Published Date
28/12/2021
Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt kết quả tích cực, với 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Ngày 27-12, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 20-12-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số này, có trên 15,2 tỷ USD vốn đăng ký mới của 1.738 dự án, tăng 4,1%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được đạt trên 18,1 tỷ USD

Xét về đối tác, năm 2021, có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ…

Bên cạnh đó, có 9 tỷ USD vốn đăng ký điều chỉnh của 985 lượt dự án, tăng 40,5% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có gần 6,9 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 7,7% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong năm, cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng so với cùng kỳ. Riêng phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm 7,7%; đạt 6,9 tỷ USD.

Đáng lưu ý là vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chỉ đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này.

ANH PHƯƠNG/ SGGPO