Vốn FDI “đổ” vào lĩnh vực sản xuất

Published Date
06/04/2022
Trong quý 1, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua. 

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản). Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản). Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, cũng trong quý 1, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) chỉ đạt 8,91 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký FDI giảm hơn 12% là do vốn đăng ký cấp mới giảm sâu, trên 54%. Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành công xưởng công nghệ cao của thế giới, số liệu này rất đáng lưu ý. Song cũng cần nói thêm là, cùng kỳ năm ngoái có tới 2 dự án tỷ USD đăng ký mới, đóng góp tới 4,41 tỷ USD trong số 7,2 tỷ USD đăng ký mới.

Trong khi đó, với số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6% và vốn bổ sung tăng thêm 93,3%, cho thấy, niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam được duy trì và củng cố. Thực tế, sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng đang có mức tăng trưởng khá tốt. Trong quý 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 7,79%, cho thấy đà hồi phục sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. 

Đến nay, dòng tiền nước ngoài đã “chảy” vào 18 trong số 21 ngành kinh tế của Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất dẫn đầu, chiếm hơn 18,1 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương 58,2% tổng vốn đầu tư. Một đặc điểm thuận lợi là miền Bắc và miền Nam thu hút các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Nếu như miền Bắc được biết đến như trung tâm của các ngành sản xuất nặng, dầu khí, điện tử và công nghệ cao, thì phần lớn các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống như may mặc và dệt may được thu hút vào khu vực phía Nam. “Bản đồ” phân bổ dự án cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tập trung vào các thành phố lớn với cơ sở hạ tầng tốt.

Bên cạnh những ưu thế mang tính “truyền thống” như chi phí nhân công cạnh tranh; đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA)…, các nhà đầu tư vào Việt Nam còn có thể được hưởng lợi từ các ưu đãi. Chẳng hạn, tại Nghị định số 57/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã hỗ trợ các ngành cung cấp nguyên liệu, phụ tùng và linh kiện cho lĩnh vực sản xuất. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam đang áp dụng nhiều ưu đãi (giảm và miễn thuế đối với các dự án sản xuất lớn có quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng, ưu đãi tại các khu công nghệ cao, một số khu công nghiệp và những vùng kinh tế - xã hội khó khăn)...

Tất nhiên, để mục tiêu hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất được hiện thực hóa, các nhược điểm cố hữu cần tiếp tục được bổ khuyết nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đó là nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động trong nước; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đơn giản hóa và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của môi trường pháp lý; cải cách quy trình, thủ tục hành chính, nhất là ở cấp địa phương.

ANH THƯ/SGGP