WHO: Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu

Published Date
18/04/2022
SGGP Dù số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tiếp tục giảm, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14-4 khẳng định Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nước chuẩn bị trong tư thế phản ứng nhanh, trên quy mô lớn đối với đại dịch này. 

Tiêm chủng vaccine cho trẻ em ở Anh

Tiêm chủng vaccine cho trẻ em ở Anh

Sẵn sàng phản ứng

Chia sẻ với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ vui mừng khi các số liệu mới nhất cho thấy số ca tử vong do Covid-19 trong tuần kết thúc ngày 10-4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu dịch đến nay. Số ca mắc và tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Với hơn 7 triệu ca mắc và hơn 22.000 ca tử vong ghi nhận được, số ca mắc và ca tử vong lần lượt giảm 24% và 18% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, ông Tedros vẫn bày tỏ lo ngại khi một số nước vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng nghiêm trọng, gây áp lực lên hệ thống y tế, trong khi khả năng giám sát xu hướng dịch bệnh giảm sút do nhiều nước dừng chương trình xét nghiệm, truy vết Covid-19. 

Chính vì lý do này, Ủy ban Khẩn cấp điều lệ y tế quốc tế của WHO hôm 13-4 công bố khuyến nghị duy trì trạng thái khẩn cấp của Covid-19. Ủy ban cho rằng các quốc gia nên tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và sức khỏe cộng đồng (PHSM) dựa trên bằng chứng và nguy cơ của dịch bệnh, cũng như sẵn sàng mở rộng PHSM nhanh chóng để ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tăng khả năng miễn dịch cộng đồng trong tình huống số bệnh nhân Covid-19 cần nhập viện, thậm chí điều trị tích cực, hoặc tử vong gia tăng, làm suy yếu năng lực hệ thống y tế. 

Trên thực tế, do số lượng bệnh nhân trở nặng đã giảm ở nhiều nơi, các nước, trong đó có Anh, Thụy Điển và Mỹ, đã cắt giảm và loại bỏ dần các chương trình giám sát và xét nghiệm Covid-19. Điều này khiến WHO lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với dịch có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái phát. WHO kêu gọi tất cả các nước giải trình tự ít nhất 5% mẫu Covid-19 để theo dõi các đột biến của SARS-CoV-2. 

Omicron hiện có 5 biến thể phụ là BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5. BA.2, được xác định là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước. WHO đang theo dõi chặt chẽ một số biến thể phụ của Omicron, gồm BA.2, BA.4 và BA.5, và một biến thể tái tổ hợp từ của BA.1 và BA.2. WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. Cùng với đó, người dân khi ra ngoài nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông đúc và không gian kín. Với những người ở trong nhà, WHO khuyến nghị mở cửa sổ và cửa ra vào, đồng thời đầu tư vào hệ thống thông gió tốt.

Nghiên cứu vaccine mới

Cùng ngày, Australia phê duyệt tạm thời mũi vaccine tăng cường cho thanh thiếu niên trong khi Mexico thông báo chuẩn bị tiêm vaccine trên diện rộng cho trẻ em 5-12 tuổi sau khi kết thúc chiến dịch tiêm chủng người trưởng thành vào cuối tháng 4.

Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Điều hành Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết có thể đến cuối năm nay, hãng sẽ cho ra mắt một loại vaccine có khả năng chống lại nhiều biến thể gây bệnh Covid-19. Pfizer đang nghiên cứu sản xuất một loại vaccine có hiệu quả bảo vệ trong vòng 1 năm, nghĩa là có thể tiêm nhắc lại hàng năm giống như ngừa cúm.  

Theo WHO, trên thế giới hiện có 153 loại vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và 196 loại vaccine trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng. Tuy nhiên, đến nay, WHO mới chỉ cấp phép sử dụng 8 loại vaccine và các phiên bản cập nhật của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Johnson&Johnson, Moderna, Sinovac, Sinopharm, Bharat Biotech và Novavax.

VIỆT ANH tổng hợp/ SGGP