Ngày 8-5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức toạ đàm quốc tế "Vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TPHCM theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; Chỉ thị 27 của Thành ủy TPHCM và Nghị quyết 18 của HĐND TPHCM".
Tại tọa đàm, các đại biểu đã phân tích vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức trong kết nối các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Thu hút lao động từ nước ngoài trở về
Theo bà Phạm Thị Nhung, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản, hiện đội ngũ lao động tay nghề cao của Việt Nam đã có điều kiện được tham gia sâu hơn vào các công đoạn, dây chuyền sản xuất quan trọng hoặc tham gia hoạt động quản lý, điều hành của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Đáng chú ý, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất được Nhật Bản trọng dụng, đánh giá cao và có nhiều điều kiện phát triển tại nước này. Đây là nguồn lực lao động chất lượng cao và quan trọng, có thể thu hút, đáp ứng được ngay công việc khi quay trở lại TPHCM và các địa phương lân cận.
“Chính đội ngũ này đang có xu hướng trở thành các cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận, nơi tập trung nhiều khu kinh tế, công nghiệp quan trọng của đất nước”, bà Nhung phân tích.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã thiết lập được nhiều kênh hợp tác là các trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề, có khả năng thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho TPHCM và các địa phương lân cận.
Với thế mạnh có các mạng lưới kết nối với nhiều đối tác uy tín tại Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tiếp cận với các nguồn vốn cũng như các cơ hội đầu tư, Hiệp hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam-Nhật Bản (E-Future) tin tưởng sẽ trở thành cầu nối vững chắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, quỹ đầu tư Nhật Bản tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là TPHCM.
Để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác, đầu tư vào TPHCM, bà Cấn Thanh Huyền, Chủ tịch hiệp hội, kiến nghị TPHCM xây dựng các kênh liên lạc và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp hai bên; chú trọng đến việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự kết nối giao lưu, bao gồm các hội thảo, diễn đàn và chương trình đào tạo nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững.
Là người theo dõi Nghị quyết 98 từ những ngày đầu xây dựng dự thảo và Quốc hội ban hành nghị quyết, ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết bản thân luôn trăn trở với câu hỏi người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp gì cho nghị quyết này, đặc biệt cho TPHCM phát triển theo cơ chế đặc thù? Tuy nhiên, nghị quyết có hiệu lực gần 1 năm nay nhưng vẫn nhiều điểm vướng. Có những nội dung nghị quyết cho phép nhưng cơ chế chưa có và vướng văn bản của bộ này, bộ kia. Ông kiến nghị Trung ương tháo gỡ nhanh nhất có thể để TPHCM có cơ chế triển khai Nghị quyết 98.
Lấy một số ví dụ thực tiễn về kêu gọi đầu tư nước ngoài, ông Peter Hồng cho biết, thấy nhiều việc tiềm năng nhưng không thể làm được vì vướng ở tầm nhìn của cán bộ, lãnh đạo địa phương.
Thiết lập mạng lưới chuyên gia
Các đại biểu cũng thảo luận, mổ xẻ các bất cập, điểm nghẽn, khó khăn trong việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài; các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện để thu hút nhân lực là doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp cho TPHCM.
Theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, điểm nghẽn đầu tiên là cộng đồng gốc Việt người Mỹ còn hoạt động riêng lẻ, chưa quy tụ được mạng lưới hay tổ chức lớn nên chưa phát huy được tối đa tiềm năng.
Trong khi đó, lực lượng trí thức người Việt còn một bộ phận vẫn định kiến với đất nước; đội ngũ trí thức trẻ đang trong giai đoạn đầu liên kết. Trong quá trình triển khai công tác vận động thu hút lực lượng doanh nhân chưa nhất quán, có nơi, có lúc còn chậm, thiếu linh hoạt. Điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc trong nước chưa đủ sức thu hút được trí thức về nước. Việc kết nối đội ngũ trí thức người Việt về các địa phương mới chỉ phân bổ ở một số lĩnh vực, dự án riêng lẻ, chưa tận dụng được tối đa nguồn lực chất xám trong tư vấn, xây dựng chính sách cho các địa phương, hỗ trợ thực sự cho phát triển kinh tế ở địa phương còn hạn chế.
Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ vừa được thiết lập, bà Nguyễn Thúy Hồng đề xuất các cơ quan liên quan của Trung ương, TPHCM cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp mang tính đột phá, trong đó hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng các sáng kiến của chuyên gia, trí thức, doanh nhân ở nước ngoài. Cần có cơ chế cụ thể để kiều bào hợp tác trong từng ngành, từng dự án cụ thể, giảm tình trạng họp hành trao đổi nhưng sau đó không có phản hồi, tiếp thu…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng nhìn nhận, hiện nước ta đang có mạng lưới doanh nhân, trí thức kiều bào rất phát triển ở nước ngoài, tiềm lực rất lớn. Do đó, ông cho rằng cần xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nhân, trí thức, kiều bào. Khi biết được thế mạnh của từng nhóm người, lĩnh vực cụ thể thì sẽ phát huy tốt nhất các đóng góp của đội ngũ này đối với sự phát triển đất nước.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Vũ Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu của các đại biểu là giải pháp để Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tham mưu, đề xuất, tổng hợp trình Thường trực UBND TPHCM, qua đó cụ thể hoá các giải pháp phù hợp nhất của TPHCM trong triển khai Nghị quyết 98.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai khẳng định, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và các cơ quan liên quan sẽ chủ động hơn để kết nối với các cơ quan đại diện, các hiệp hội kiều bào của các nước để phát huy, khơi thông được nguồn lực kiều bào. Cùng với đó, rà soát cơ chế chính sách của TPHCM trong thu hút chuyên gia, nhà khoa học về TPHCM. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; tận dụng được nguồn nhân lực đi học tập ở nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động trở về. Có giải pháp để thu hút đầu tư của kiều bào thông qua các dự án đầu tư của thành phố.
Nhấn mạnh đến nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về kiều bào, bà Vũ Thị Huỳnh Mai cũng thông tin, hiện TPHCM có 2,8 triệu kiều bào ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, về các lĩnh vực mà kiều bào hoạt động và nghề nghiệp của họ thì thành phố chưa có dữ liệu. “Việc xây dựng phần mềm dữ liệu kiều bào sẽ là động lực để tập hợp kiều bào ở tất các quốc gia, vùng lãnh thổ để có từng nhóm, phát huy được vai trò của họ để hỗ trợ thành phố khi cần".
THU HƯỜNG/Báo SGGP