Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp TP.HCM phát triển vững mạnh
Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động thì mục tiêu đến năm 2030 thành phố trở thành trung tâm kinh tế tài chính có tầm khu vực sẽ dễ dàng hơn.
Công nhân làm giày da trong nhà máy Công ty TNHH Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp vững mạnh, tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) đề ra tại Đại hội đại biểu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022-2027) diễn ra chiều 13/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, tình hình kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang phục hồi rõ nét; nhiều chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang tạo ra những cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế mới cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức, đó là cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước mà ngay tại thị trường trong nước, đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.
Về nội lực, quy mô các doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh yếu so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dám đầu tư, do thiếu nguồn vốn trong khi máy móc thiết bị, công nghệ còn lạc hậu dẫn đến năng suất thấp và chất lượng sản phẩm cũng chưa cao.
Do đó, nhiệm kỳ 2022-2027, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xác định các mục tiêu trọng tâm, đó là: Doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường thành phố; đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện, xây dựng hiệp hội và các tổ chức hội, câu lạc bộ thành viên vững mạnh.
[TP.HCM: Vinh danh 22 doanh nghiệp “Đồng hành, vượt khó, phát triển”]
Đồng thời, hiệp hội thực hiện tốt vai trò đại diện, cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với lãnh đạo thành phố, trung ương xem xét điều chỉnh chính sách có liên quan nhằm thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính tạo hành lang thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp hoạt động.
Mặt khác, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp vì lợi ích của quốc gia nói chung, lợi ích của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; giữ gìn uy tín đối với quốc tế và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, góp phần chăm lo công tác cộng đồng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xác định thời gian tới tập trung đổi mới tổ chức-bộ máy hoạt động của hiệp hội; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ về việc tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiếp cận công nghệ và tạo mối liên kết với các doanh nghiệp trong ngành…; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mới, thương hiệu quốc gia ngang tầm khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ tăng cường vai trò đóng góp chính sách, xây dựng pháp luật thông qua việc tập hợp ý kiến của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đánh giá cao và tri ân những đóng góp của cộng đồng doanh nhân đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng đông đảo quyết định chất lượng, tốc độ phát triển của thành phố.
Doanh nghiệp không chỉ đóng góp về kinh tế tài chính mà còn tích cực trong việc góp ý định hướng, cơ chế chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố.
Công nhân làm việc tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, sẵn sàng đối diện và vượt qua khó khăn trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa hiệu quả tham vấn chính sách cũng như tham gia có hiệu quả trong việc triển khai chiến lược kinh tế của thành phố.
Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm kinh tế tài chính có tầm khu vực, là đầu tàu của cả nước về kinh tế số, chính quyền số. Nếu cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ, cùng hành động thì việc tiếp cận mục tiêu sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần sớm nhận thức về chuyển đổi xanh, xây dựng văn hoá doanh nghiệp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cam kết tiếp tục đồng hành, đối thoại với doanh nghiệp, trong quá trình điều hành sẽ lắng nghe và có điều chỉnh phù hợp với thực tế; nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 75 thành viên; trong đó Ban thường vụ gồm 15 người. Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) được tín nhiệm bầu vào chức Chủ tịch Hiệp hội./.
https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-doi-ngu-doanh-nghiep-tphcm-phat-trien-vung-manh/835664.vnp
Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)