Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng vượt mục tiêu 5 tỷ USD

Published Date
13/08/2024

Đơn hàng xuất khẩu dồi dào, sản xuất tiếp tục xu hướng ổn định, cạnh đó, giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng... đây là những dữ liệu cho thấy, mục tiêu xuất khẩu gạo đạt con số 5 tỷ USD hoàn toàn trong tầm tay, thậm chí vượt mục tiêu.

                                                                                                   Nhiều dữ liệu cho thấy mục tiêu xuất khẩu gạo đạt và vượt con số 5 tỷ USD là trong tầm tay. Ảnh: Quang Vinh.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khác cũng tăng cao như giá xuất khẩu gạo trung bình sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

Giá gạo xuất khẩu tăng cao đã góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Đạt được kết quả này là do các doanh nghiệp (DN) đã tận dụng được nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống đang có xu hướng tăng trong thời gian qua. Trong điều kiện hiện nay và còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mà mang tính toàn cầu. Do đó, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch.

Bộ NNPTNT cho biết, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê); đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Đáng chú ý, các thị trường truyền thống tiếp tục có xu hướng tăng sản lượng nhập khẩu gạo Việt. Đơn cử, Indonesia, Philippines, Singapore… đã thông báo tăng sản lượng gạo nhập từ Việt Nam nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Đây chính là cú hích quan trọng tiếp sức cho ngành lúa gạo trong chặng “nước rút” để về đích năm 2024 này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: “Nhu cầu gạo của các nước trên thế giới, nhất là các khách hàng truyền thống của Việt Nam vẫn ở mức cao và có thể tăng lên. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024”.

Theo dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Một số nước hạn chế xuất khẩu, trong khi một số quốc gia lại tăng cường nhập gạo để dự trữ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Tăng mạnh tính kết nối

Dù xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc song, nhiều ý kiến cho rằng, ngành hàng này vẫn bộc lộ những hạn chế, trong đó, hạn chế lớn nhất là việc các thương nhân chưa chú trọng liên kết, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gạo, do đó còn tình trạng nông dân có lúa nhưng không biết bán cho ai, đầu ra hết sức bấp bênh, còn ngược lại, DN muốn mua cũng không biết mua ở đâu được đúng sản phẩm theo yêu cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo còn qua thương lái nên gây phát sinh chi phí trung gian.

Chính bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, để ngành sản xuất lúa gạo phát triển ổn định, bền vững, rất cần giải tỏa những hạn chế, bất cập nói trên. Theo đó, các DN cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Nằm trong top các cường quốc xuất khẩu gạo, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây chính là phân khúc quyết định sự phát triển bền vững đối với ngành hàng lúa gạo.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến đội ngũ thương lái. Khẳng định vai trò của đội ngũ thương lái, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, thương lái có điểm mạnh, điểm hay, vì thế các hợp tác xã cần có sự kết hợp để làm dịch vụ cho DN. “Cần xem thương lái như một đối tác đồng hành với nông dân, DN. Ở đây có thể thấy vai trò của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo có thể tập hợp các thương lái này vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện” – ông Hải nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, việc gắn thương lái vào chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo là điều cần thiết. Khi thương lái tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ làm gia tăng 20% giá trị. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người nông dân bị ép giá, thương lái nên làm luôn khâu cung cấp đầu vào, cung cấp phương tiện cơ giới khai thác lúa thay cho “cò lúa”. Bởi, khi thương lái thông qua “cò lúa” để tìm đến người trồng lúa hoặc để tìm thuê phương tiện cơ giới, thì các chi phí phát sinh sẽ được thương lái trừ vào giá mua lúa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt năm 2023 đã đạt kết quả tích cực khi xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022 và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Sản xuất lúa gạo năm 2024 tương đối thuận lợi và ổn định. Dự kiến cả năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 7,6 triệu tấn, doanh thu trên 5 tỷ USD.

                                                                                                                                                                                                                                      Thanh Xuân - https://daidoanket.vn/xuat-khau-gao-ky-vong-vuot-muc-tieu-5-ty-usd-10287776.html