Xuất khẩu ngày 12-16/6: Xuất khẩu giảm, Việt Nam vẫn xuất siêu ấn tượng; vải Thanh Hoá 'lên đường' sang Nhật Bản và Anh
Vải không hạt Thanh Hóa lên đường sang Nhật Bản và Anh; xuất khẩu giảm, Việt Nam vẫn xuất siêu ấn tượng... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 12-16/6.
Việc xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt sang thị trường Nhật Bản và Anh đã mở ra cơ hội cho trong việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Vải không hạt Thanh Hóa lên đường sang Nhật Bản và Anh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, chiều 13/6, hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng tại Thanh Hóa đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Anh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đây là lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản với khối lượng 500 kg và Vương quốc Anh là 600 kg. Đây là giống vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm cho biết, 2023 là năm đầu tiên công ty thu hoạch vải để bán ra thị trường. Ước tính sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán buôn khoảng 170.000 đồng/kg. Hiện nay vải không hạt của công ty đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Việc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh đã đánh dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, khi cây ăn quả được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, mở ra cơ hội cho trong việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.
3 loại quả nào của Việt Nam tiếp tục bị EU kiểm soát?
Có 3 sản phẩm tiếp tục phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức bao gồm ớt chuông, đậu bắp và quả thanh long. Cụ thể, ớt chuông tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; đậu bắp tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; quả thanh long là 20%.
Vừa qua, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.
Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo từ Ban thư ký Ủy ban SPS/WTO số G/SPS/N/EU/641 ngày 9/6/2023 của Liên minh châu Âu thông báo Quy định thực thi số (EU) 2023/1110 ngày 6/6/2023 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào Liên minh thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng.
EU bắt đầu áp dụng quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam từ ngày 1/1/2022. Chỉ 6 tháng sau đó, EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và hiện tại, sau 18 tháng kể từ thời điểm trên, mỳ ăn liền đã được chuyển từ mặt hàng thuộc diện xem xét Phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang Phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).
Quyết định này là một sự ghi nhận đối với Bộ Công Thương nước ta trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền.
Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại Phụ lục II.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia nổi tiếng sản xuất mỳ ăn liền, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Xứ sở Kim chi vẫn chưa thành công thuyết phục EU bỏ giám sát chất lượng và hiện nay vẫn nằm ở Phụ lục I với tần suất kiểm tra 20% như Việt Nam.
Trước đó, EU đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 6/6/2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU.
EU đã chính thức đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%. Như vậy, kể từ ngày 27/6 tới đây, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Cũng tại quy định này, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu; Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của 6 tháng trước.
Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.
Xuất khẩu giảm, Việt Nam vẫn xuất siêu ấn tượng
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 5/2023 đạt 54,08 tỷ USD, tăng 1,9% tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 28,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% (tương ứng tăng 176 triệu USD) và trị giá nhập khẩu là 26,04 tỷ USD, tăng 3,3% (tương ứng tăng 827 triệu USD).
Như vậy, lũy kế 5 tháng/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 260,79 tỷ USD, giảm 15,3% tương ứng giảm 47,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 18,88 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,29 tỷ USD).
Trong tháng 5/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Tính trong 5 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 9,65 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 36,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 tháng năm 2023 lên 180,59 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 32,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tính trong 5 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 9,65 tỷ USD. (Nguồn: Hapro) |
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là 19,79 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng năm 2023 của doanh nghiệp FDI lên 98,91 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 13,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2023 là 16,78 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 5 tháng năm 2023 đạt 81,68 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 18,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 65% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2023 đạt thặng dư 3 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 5 tháng năm 2023 lên mức thặng dư là 17,23 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Á là 169,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 64,9% trong tất cả các châu lục và giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là châu Mỹ với 52,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,3%, giảm 18,9%; châu Âu là 29,29 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 10,2%; châu Đại Dương với 6,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 10,6%; châu Phi với 3,19 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,2%, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
VÂN CHI