Điều đó đã thể hiện qua bảng khảo sát và lấy ý kiến đóng góp cụ thể trên từng hạng mục của người dân cũng như nhiều trao đổi, phản biện khoa học của các chuyên gia, nhà chuyên môn ở các lĩnh vực liên quan.
Sự đón nhận không chỉ khi đã là thành quả, với tư cách người thụ hưởng mà trước và trong quá trình triển khai chỉnh trang, thái độ của mỗi người dân tham gia vào việc trưng cầu, cách họ tâm huyết đóng góp ý kiến, từ các hạng mục cụ thể trong công trình này cho đến tầm nhìn viễn kiến được đặt ra cho cả “con đường di sản” hành lang sông kết nối với đường bộ. Đó là trách nhiệm tự thân của mỗi công dân thành phố đối với nơi họ sinh ra, tìm đến, lớn lên, dự phần vào sự phát triển chung của vùng đất mà họ gắn bó, yêu thương.
Bài học quý lại chính là ở chỗ, chính quyền thành phố ngay từ khi bắt tay lên kế hoạch chỉnh trang; hoặc tái khởi động các công trình công cộng đã đưa “tiếng nói nhân dân” vào như một thành tố quan trọng bậc nhất. Đặt tâm lý, sở thích, nguyện vọng, nhu cầu thụ hưởng của công dân thành phố là điều kiện tiên quyết để triển khai công tác chỉnh trang, tôn tạo, xây dựng.
Dòng chảy lịch sử - văn hóa - xã hội của vùng đất phương Nam đã và đang được kết nối, duy trì, tiếp tục phát huy những giá trị nội sinh lẫn ngoại sinh thông qua công tác phục dựng, chỉnh trang đi cùng liên kết, phát triển lợi thế lẫn nhau. Đó là kết nối - phát huy sức sống, sức mạnh của các cặp “modul” về thời gian: xưa và nay, các công trình di tích và khai thác các loại hình dịch vụ; về không gian: đường giao thông thủy - bộ, không gian sinh hoạt công cộng - điểm chiêm bái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng theo đạo lý dân tộc, không gian lõi - ngoại vi của khu vực trung tâm…
Từ đó, tiếp tục bổ sung số lượng buýt sông, các dịch vụ thiết yếu ở các điểm chờ, bến đáp; nâng cấp kiến trúc, chức năng của nhà ga bến thủy; thiết kế đường hầm hoặc cầu dẫn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ - công trường Mê Linh - công viên Bạch Đằng để bảo vệ an toàn cho người dân khi di chuyển xung quanh khu vực này; tăng số lượng cây xanh để tạo bóng mát mà không làm chắn tầm nhìn ra sông, bãi giữ xe, thùng rác, ghế, đèn...
Khi thành phố lên đèn, bên cạnh dòng người tấp nập ở những cung đường dẫn ra - vào các cửa ngõ trung tâm, có một bộ phận dân cư nội đô lại thong thả đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ đó băng qua công trường Mê Linh.
Phút dừng lại, cúi đầu thành kính, nghiêm trang trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, rồi bước sang khu vực công viên Bạch Đằng, sông Sài Gòn hiện diện ngay trước mặt. Gió sông lồng lộng, ánh sáng từ những con tàu du lịch, bến ga tàu thủy, tàu cao tốc hắt lên, đèn từ công viên chiếu xuống, cả một khu vực dọc sông sôi động, rực rỡ.
Người dân đã chọn thụ hưởng các công trình công cộng mang tính văn hóa, lịch sử, bản địa của thành phố, được đáp ứng các dịch vụ kết nối, tận dụng, khai thác mà từ đó tiếp tục phát huy sức sống văn hóa - kinh tế - xã hội; và lãnh đạo thành phố đã chọn “đi về phía nhân dân”, đó là phục dựng, siêng năng viếng thăm lăng tẩm tiền nhân, đích thân đến chúc tụng sức khỏe những “báu vật sống” gắn với lịch sử từng sự kiện của thành phố. Đó là cách vận hành các chính sách, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và sống động nhất, không chỉ trên văn bản, bằng lời nói mà hiện thực hóa qua các công trình, việc làm, thái độ tiếp nhận của người dân.
Thước đo từ lòng dân, từ hiệu quả tin cậy, đồng thuận của nhân dân là thước đo chính xác nhất, công tâm nhất đối với phẩm giá, chức trách của một chính quyền!
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ/ SGGP