Cuộc mưu sinh của người xa xứ qua tập truyện ĐẤT KHÁCH của Nguyễn Công Tiến

Published Date
01/06/2018

Thói quen đọc lướt hàng loạt bài viết, các câu chuyện thường ngày đăng trên trang mạng của tôi, hình thành từ cái thời facebook lên ngôi. Thói quen chẳng mấy hay ho này của tôi bị khựng lại, khi tôi đọc xong trang truyện ngắn đầu tiên của một cây bút, cho đến lúc này, chưa hề có tiếng trên văn đàn: Nguyễn Công Tiến.

Tôi bị chinh phục, bị cuốn hút vào tập truyện ngắn của anh, hãm hết tốc độ và đọc như đếm từng chữ, từng từ trên trang sách của anh. Các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến đã mê hoặc tôi không phải là cốt truyện lạ lùng, bí hiểm; tôi lật từng trang, như lật lại từng mảng sự thật đã bị ngủ quên từ lâu, nhưng hãy còn tươi rói. Hiện thực được miêu tả trong các câu chuyện của anh đã trôi qua hơn một phần ba thế kỷ, khi thì một góc phố nước Nga, khi thì một thị trấn ở nước Đức, khi thì một xóm nghèo đồng bằng Bắc Bộ, nhưng khi đọc lại, nó hiển hiện ra trước mắt tôi dường như vừa mới xảy ra.

Chín truyện ngắn của anh như chín gian bảo tàng trưng bày một cách vừa ngẫu nhiên, vừa hợp lý những lớp, những mảng đời thực mà ai đã từng sống ở ở Đông Âu vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, đều cảm thấy mình đã gặp đâu đó một lần. Còn những ai chưa trải nghiệm bối cảnh dữ dội này đều không khỏi giật mình trước bức tranh đủ mọi sắc màu được mở ra.

Trong tập truyện có mọi cung bậc của tình cảm, có nhiều khoảng không gian viễn cận của nước Đức, có một quãng thời gian xuyên suốt ba chục năm và hai thể chế.

Đầu những năm tám mươi, sau khi hiệp ước Lao động và Hợp tác của ta và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu được ký kết, gần nửa triệu người lao động Việt Nam đã có mặt tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc. Những ai có tên trong danh sách ra đi, thời đó người ta gọi là xuất khẩu lao động, là những người có thể nói là được thần may mắn gọi tên, coi như họ đã chia tay giã biệt mâm cơm nghèo đói và tấm áo sờn của thời bao cấp. Một chân trời ấm no đang hứa hẹn; một tương lai màu hồng đang vẫy gọi họ. Rồi gia đình, bà con làng nước sẽ vẽ nên hình ảnh một sự đủ đầy và hạnh phúc khi họ ra đi.

Nhưng bức tranh tương lai lại không như vậy, bên mảng sáng về người thành đạt, lao động vượt năng suất, được tăng lương, dành dụm được tiền nong, hàng hóa gửi về nhà cứu gia đình thoát khỏi sắn khoai và cơm độn, thì còn có một mảng tối khác, đó là sự nổi chìm của bao thân phận, bao sự đổ vỡ và bi kịch của người lao động ở nước ngoài trong chuỗi thời gian triền miên kéo

Cuộc mưu sinh của người lao động người Việt tại Đức được phản ánh trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến là một bể khổ trần ai. Không hề có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng” mà người đời tưởng tượng khi chỉ thấy những chiếc xe mokich mới cứng nhả khói trên đường làng, những khuôn mặt bợt bạt gió tuyết về quê trong những bộ cánh lạ mắt, đắt tiền. Đằng sau đó là sự bươn chải của những người Việt nhỏ bé oằn mình kéo những chiếc xe, cảnh thức khuya, dậy sớm trong những khu nhà thuê, căng đôi mắt thèm ngủ để lo chuẩn bị hàng cho buổi sớm mai, là sự phấp phỏng triền miên về cuộc sống bấp bênh không chỗ dựa … (Điềm gở). Ngoài sự đối phó với thời tiết mùa đông khắc nghiệt, họ còn phải gánh chịu bao nhiêu hiểm họa rập rình và bao trở trăn không tên khác.

Một trong  những mối hiểm họa tiềm tàng, đó là nạn đầu gấu, chỉ điểm giấu mặt và xã hội đen tồn tại và hoành hành xuyên biên giới trong cộng đồng người Việt kéo dài nhức nhối suốt hàng mấy chục năm. Nạn lừa đảo, buôn người từ trong nước qua Nga, qua Đông Âu để làm gái mại dâm của bọn tội phạm với nhiều thủ đoạn tàn nhẫn, vô nhân tính đã được Nguyễn Công Tiến phơi bày qua hàng loạt truyện ngắn. Phải có một sự từng trải, phải có một bề dày vốn liếng sống như thế nào, anh mới phản ánh được một cách sâu sắc đến như vậy. Các bản mặt cơ hội như Hoành (Ngọn cờ), cô hồn và nhẫn tâm như Thanh gấu (Nhành tre run rẩy), hay bất lương như Tuấn Hoàng (Người xưa trở lại) không xa lạ gì đối với những ai đã từng biết đến các băng đảng vẫn lộng hành trong cộng đồng người Việt.

Dù vậy, người Việt ở nước ngoài trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vươn lên, vượt qua số phận để ngẩng đầu. Tôi có cảm tưởng các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến đã thấm sâu và khẳng định được điều này, bênh vực những số phận “rũ bùn đứng dậy”. Nhưng cao quý hơn, đáng trân trọng hơn, đó là tính nhân văn chan chứa trong văn xuôi của anh, nói đúng hơn là trong tâm hồn của anh. Ở đâu, anh cũng nhìn ra phẩm giá sáng ngời của người Việt. Cho dù bị vùi dập, bị rơi xuống vũng lầy, bị chà đạp, nhưng tâm hồn của cô gái Xoan vẫn trong trẻo như một đóa sen (Nhành tre run rẩy). Còn câu chuyện “Đất khách” tác giả mượn tình trạng phân biệt chủng tộc hiện hình sau khi nước Đức tan rã, không phải là để tố nước Đức, mà để ngợi ca trái tim đôn hậu, vị tha và thủy chung của hai cha con người Việt đối với những người bản xứ đã từng một thời gắn bó với mình.

Có thể nói, tập truyện ngắn “Đất khách” của Nguyễn Công Tiến không chỉ góp phần làm phong phú cho mảng Văn học Việt Nam ở Liên bang Đức, mà còn khẳng định một chất giọng riêng, không lẫn vào đâu được trong sự tiến triển của dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại.

Matxcơva 29/1/2018

GS. VS. Nguyễn Huy Hoàng- kiều bào Nga