Hai chữ Trường Sa trong lòng tôi
Nhiều tuần lễ sau chuyến thăm Trường Sa hồi tháng 4/2016 do Ủy ban Nhà nước về NVNONN – Bộ Ngoại giao tổ chức, hồi ức về miền biển đảo thiêng liêng ấy của Tổ quốc vẫn còn ám ảnh và rung động trong trái tim tôi. Như giấc mơ, tôi ôn lại những gì mình đã sống trong những ngày qua. Đẹp quá như huyền thoại...
Các bác, các anh em trên đất liền yên tâm, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và lòng tự hào dân tộc, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu noi giương các anh chiến sĩ Cô Lin, Gạc Ma, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo!
Lời tâm nguyện của chiến sĩ Trường Sa
Nhiều tuần lễ sau chuyến thăm Trường Sa hồi tháng 4/2016 do Ủy ban Nhà nước về NVNONN – Bộ Ngoại giao tổ chức, hồi ức về miền biển đảo thiêng liêng ấy của Tổ quốc vẫn còn ám ảnh và rung động trong trái tim tôi. Như giấc mơ, tôi ôn lại những gì mình đã sống trong những ngày qua. Đẹp quá như huyền thoại...
Trời trong, gió mát và biển êm, sau 2 ngày lênh đênh trên biển, cụm đá nhô lên giữa trời và biển - đây rồi Đảo Đá Lớn sừng sững thu hút lấy tôi. Cảm xúc muốn trào ra nước mắt. Mọi suy nghĩ xáo trộn, trong tôi nảy ra nhiều câu hỏi: Giữa trời nước mênh mông xa đất liền, làm sao tổ chức cuộc sống hàng ngày? Đời sống tinh thần của chiến sĩ xa gia đình, xa người yêu thương, xa tất cả những gì xã hội hiện đại đang có, ra sao? Sự hy sinh như vậy là rất lớn vì Tổ quốc, khiến tôi liên tưởng đến các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phải hy sinh nhiều năm, khi thống nhất Nam Bắc một nhà, mới biết là mình đã có cháu ngoại hay nội trong những năm đi theo tiếng gọi của Tổ quốc...
Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa.
Vĩ đại quá, hy sinh cả cuộc đời để phục vụ cho hai tiếng Việt Nam! Dù rằng hiện nay có nhiều loại hình phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, thông tin đến hàng ngày chứ không còn đằng đẵng như xưa, nhưng sự cách xa gia đình và cuộc sống hàng ngày của xã hội thì thương lắm. Con vắng cha, vợ vắng chồng, vắng tất cả người thân yêu, vì Tổ quốc... Trường Sa ơi, hai chữ quá thiêng liêng! Bao nhiêu sức mạnh của con người quyết một lòng bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn bảo vệ từng tấc đất mà ông cha ta để lại.
Nhìn các anh lính hải quân với nụ cười hồn nhiên của tuổi trẻ, làn da sạm nắng khỏe mạnh và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, hăng say lao động, tôi như được truyền lây sức sống và lòng dũng cảm, sự vô tư ấy. Khác với cuộc sống trên đất liền, nơi đây phải tự giải quyết tất cả mọi vấn đề hàng ngày để có được chút đầy đủ cho cuộc sống như: trồng rau trong chậu, tổ chức nuôi gia súc, gia cầm, và nhất là giải quyết vấn đề đau đầu là nước ngọt - nhiều khi phải tiết kiệm từng giọt nước cho bản thân mình, nhưng vẫn phải dành nước cho rau xanh, cho đàn gà vịt và bầy heo lớn khỏe.
Sự hy sinh thầm lặng ấy họ không bao giờ nói ra, mà luôn chung sức, đồng tâm hiệp lực cùng đồng đội làm bừng lên sức sống nơi đảo xa và giữ vững vị trí tiền tiêu, hiên ngang trước ngọn cờ đỏ sao vàng luôn luôn bay phất phới trên đảo. Đáp lại tấm lòng của các chiến sĩ, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và các tổ chức cá nhân cũng đã phát động nhiều cuộc vận động, xây dựng nhiều chương trình hướng về Trường Sa như: Góp đá xây Trường Sa, Quỹ Vì Trường Sa thân yêu,...
Đặt chân lên đảo Nam Yết, đứng trước tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi, sừng sững chỉ tay ra biển, tôi nghĩ ngay đến trận đại thắng Bạch Đằng, nghĩ về tinh thần đấu tranh dân tộc bảo vệ chủ quyền trên đất liền và ngoài biển.
Trên các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh và Trường Sa Lớn, cây xanh bóng mát rợp đảo, có nhiều hộ gia đình sinh sống, các cháu nhỏ được đến trường học. Nơi đâu cũng thấy xây dựng chùa chiền, đáp ứng đời sống tinh thần và tâm linh của chiến sĩ và nhân dân sống trên đảo, cũng như để biểu dương nền văn hoá dân tộc rất sâu sắc và là truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Bốn chân cắm sâu trong lòng đại dương, nhà giàn DK1 góp phần chốt giữ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Sống giữa biển và trời trong không gian nhỏ bé với bao khó khăn, vất vả, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính hải quân đã vượt qua mọi trở ngại, sống lạc quan, yêu đời và vững vàng bản lĩnh. Mọi sự thiếu thốn được khắc phục, bên cạnh việc trồng rau xanh, các anh còn tích cực tăng gia sản xuất với việc nuôi lợn, gà để đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn.
Có đến Trường Sa mới thấy sự hy sinh của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và cảm nhận được tinh thần gắn bó với đất nước của bao lớp chiến sĩ cũng như nhân dân trên đảo. Lắng nghe đâu đây lời hứa của những chiến sĩ trên đảo:“Các bác, các anh em trên đất liền yên tâm, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và lòng tự hào dân tộc, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu noi giương các anh chiến sĩ Cô Lin, Gạc Ma, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo!” Lời hứa đi cùng với tuổi thanh xuân và sinh mạng các chiến sĩ, xúc động và đẹp đẽ biết bao!
Đảo ta là nhà, biển đảo là quê hương...
Thương nhớ chiến sĩ Trường Sa
Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)
Theo http://quehuongonline.vn/