Mùi cơm cháy

Published Date
17/02/2016

Nếu những hình ảnh đơn sơ mộc mạc của chùm khế ngọt, cây cầu tre nhỏ là quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân thì tô nước cơm màu trắng đục ngọt ngào và giề cơm cháy vàng ươm, giòn rụm, thơm phức là quê hương của cha con tôi vậy.

Ảnh minh họa: Trần Thắng 

Hôm nay cúp điện. Vợ vắng nhà. Tôi nấu cơm bằng bếp gas. Không biết cách nấu cơm cạn, tôi nấu chắt nước. Đứa con gái học lớp chín, hỏi tôi:

- Được hông ba? Để con nấu cho?

Tôi cười, nhướng mày tự tin:

- Chuyện nhỏ! Ba biết nấu hồi chín mười tuổi lận.

- Ai dạy ba vậy?

- Bà nội!

Cơm sôi, chờ cho hạt gạo nở đều, tôi chắt nước và vặn nhỏ lửa. Cơm chín, tôi giở nắp nồi ra xới cho cơm tơi xốp, mùi cơm cháy bay lên thơm nức mũi. Đã lâu lắm rồi tôi không ngửi được cái mùi ngọt ngào thân thiết này và đã quên mất nó đi nhưng nay nó chợt đến và mang về cho tôi hình ảnh quê nhà và người mẹ thân yêu khiến tôi cảm thấy chạnh lòng.

Lúc bấy giờ ở nông thôn chưa có điện, người giàu có, khá giả mới dùng bếp gas còn đa số bà con đều dùng củi nấu nướng ngày hai bữa sáng chiều. Để có củi chụm giáp năm, vào mùa nắng má tôi ra vườn quơ bất cứ thứ gì chụm được. Róc từng tàu dừa lấy lá nhúm lửa, cọng chẻ ra làm củi, lượm dừa chuột bổ nhỏ phơi đăng đăng đê đê ngoài sân. Củi khô, má chất thành cự ngoài vách hè nhà, nếu không chuẩn bị sẵn, đến mùa mưa dầm không có củi phải “đút ống giò vô chụm”- má tôi hay nói đùa như thế.

Củi cháy sanh ra lửa và khói. Lửa làm chín cơm, khói bám vào nồi biến thành lọ nghẹ đen thui, phần còn lại bay lên, len lỏi qua mái nhà, kẽ lá, vòm cây lan tỏa vào không gian thành khói lam chiều. Hình ảnh mộc mạc thân thương này đã đi vào lòng người, trở thành biểu tượng của làng quê thôn dã. Nó còn là nguồn cảm hứng tuyệt vời của văn nghệ sĩ, được họ thể hiện qua văn thơ nhạc họa bằng tình cảm xúc cảm chân thành.

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

(“Tràng Giang”- Huy Cận)

Người lớn và trẻ con nông thôn không có thói quen ăn sáng. Đúng hơn là hồi đó rất ít người bán hàng rong và quán tiệm như bây giờ. Vào mùa vụ thì ăn cơm khuya, ngày thường thì bảy tám giờ ăn cơm sáng, mười ba mười bốn giờ ăn cơm chiều, dân gian gọi là “cơm đắp đầu gối”. Tối có xót ruột, đói bụng thì lục cơm nguội.

Trường học cách nhà tôi khoảng ba ngàn thước. Mỗi ngày má thức dậy từ bốn năm giờ sáng nấu cơm, hâm cá cho anh chị em tôi ăn “dằn bụng” trước khi đi học, khỏi tốn tiền quà lại được no lâu. Má nấu cơm rất khéo, chắt nước xong má rút bớt củi để lửa cháy liu riu cho khô nước, hạt cơm sẽ son ráo, tơi xốp. Sau đó gạt than ra chung quanh đáy nồi cho cơm cháy vàng đều, nếu không, sẽ khét đen chính giữa. Bữa ăn nào cũng có tô nước cơm màu trắng đục, thơm thơm, ngọt ngọt, béo béo húp hoặc chế vào cơm ăn dù có hay không có canh. Nhất là giề cơm cháy vàng tươi, thơm lừng, giòn rụm, nhai nghe rào rạo thú vị làm sao. Tôi uống nước cơm và ăn cơm cháy riết ghiền, biết ý, bữa nào má cũng chắc nước cơm và đun lửa cho có cơm cháy.

Cái hương vị thơm ngon và cảm giác khoái khẩu đó đã ở lại quê nhà khi tôi lên thành phố học và đi làm. Ăn cơm tiệm, cơm hộp suốt làm gì có nước cơm và cơm cháy? Tuy nhiên, tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp lại nó trong những lần về thăm cha mẹ. Tôi chỉ thật sự quên nó sau khi lập gia đình, ở luôn trên thành phố. Hơn nữa, thời gian sau này, em trai tôi cũng đã sắm bếp gas, nồi cơm điện và má đã già, việc bếp núc do con dâu đảm trách nên tôi chỉ có một lần duy nhất cách nay gần hai năm được thưởng thức mùi nước cơm và cơm cháy do mẹ nấu.

Hôm đó, nhân nghỉ lễ hai ngày tiếp theo thứ bảy chủ nhật, tôi cùng vợ con về thăm cha mẹ. Em dâu tôi đi chợ mua thức ăn về có mua bịch cơm cháy làm quà cho con nó. Má kêu thằng bé đem bịch cơm cháy lại cho bà coi:

- Sang! Đem lại cho bà nội coi, coi con?

Thằng bé đem lại đưa bà. Má lật qua lật lại xem một hồi rồi đưa lên mũi ngửi, nói trổng:

- Cái này mà cơm cháy đây sao? Không có mùi vị gì hết trơn?

Tôi giải thích:

- Đây là cơm sấy trộn với gia vị ép thành khuôn chớ không phải cơm cháy trong nồi.

Má ngước nhìn tôi, hỏi:

- Có ngon hơn cơm cháy mình làm không?

Tôi biết má muốn so sánh với cơm cháy má làm nên vỗ vai má, cười nói:

- Dĩ nhiên là không rồi! Cơm cháy má làm là nhứt, có ai bằng?

Má cười móm sọm, kêu em dâu tôi, nói:

- Vợ thằng Hải nấu cơm (nồi điện) chưa, con?

- Dạ chưa! Chi vậy má?- Em dâu tôi lên tiếng.

- Nếu chưa thì đừng nấu, để má nấu cơm củi chắt nước có cơm cháy cho anh Ba con ăn. Hồi nhỏ nó ưa lắm, bữa nào hổng có hoặc hết cơm cháy cái mặt quạu đeo.

Nghe má nói, vợ con và em dâu nhìn tôi cười ồ. Tôi rưng rưng muốn khóc, muốn sà vào lòng má phụng phịu như thuở nào. Trời ơi! Đã mấy mươi năm rồi mà má vẫn không quên sở thích của tôi. Trong mắt má, tôi luôn luôn là thằng con nít háu ăn. Lòng má như cái tô cái nồi, tôi uống nước cơm và ăn cơm cháy mãi vẫn không bao giờ hết.

- Con làm tiếp má.

Tôi nói rồi đi lấy nồi xúc gạo đem vo. Má lui cui nhóm bếp. Củi khô bắt lửa nhanh cháy lớn. Vài làn khói xanh lam mỏng manh nhẹ tênh bay lên mái nhà, chưa kịp lan tỏa trong không gian thì bị gió thổi tan loãng vào hư vô. Đó là lần cuối cùng tôi được uống nước cơm và ăn cơm cháy do tự tay má nấu!

Trước khi dọn cơm ăn, tôi làm chén mỡ hành có thêm chút đường, chút muối để ăn với cơm cháy. Con gái tôi bới cơm ra chén, ăn vài miếng, ngước nhìn tôi, khen:

- Cơm nấu chắt nước ngon hơn cơm nấu nồi điện hén ba?

Tôi gật đầu, nói:

- Ba còn một món nữa ngon lắm.

- Món gì vậy ba?

Tôi cạy cơm cháy, thoa mỡ hành rồi đưa cho con. Nó ăn ngon lành và hỏi ai đã dạy tôi làm, tôi nói bà nội dạy. Nó mỉm cười thích thú:

- Con sẽ đề nghị với má từ nay về sau nấu cơm chắt nước? Bếp gas cũng được?

- Dễ gì bả chịu?

Nếu những hình ảnh đơn sơ mộc mạc của chùm khế ngọt, cây cầu tre nhỏ là quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân thì tô nước cơm màu trắng đục ngọt ngào và giề cơm cháy vàng ươm, giòn rụm, thơm phức là quê hương của cha con tôi vậy.

Theo Trương Hoàng Minh (Báo Vĩnh Long)