Hăm dọa người phản ánh
Tại cuộc họp khu phố định kỳ mới đây, ông T.H.N. (ngụ quận 4, TPHCM) phản ánh tình trạng nhiều gia đình hát karaoke mở loa quá lớn, kéo dài đến đêm khuya, gây ảnh hưởng đến nhiều gia đình xung quanh. Ông N. cũng lên tiếng về việc một hộ dân buôn bán thường xuyên để nồi phá lấu sôi trên bếp lò và đặt lấn ra ngoài con hẻm có nhiều người qua lại, dễ gây nguy hiểm cho người khác. Ông N. đề nghị ban điều hành khu phố xem xét và chấn chỉnh các hành vi trên. Một ngày sau khi ông N. phản ánh, gia đình ông phải hứng chịu nhiều lời chửi bới, thậm chí hăm dọa, từ gia đình bị phản ánh.
“Họ đứng trước con hẻm nhỏ dẫn vào nhà tôi để chửi những lời thô tục, còn hăm dọa sẽ “xử” đẹp nếu tôi tiếp tục phản ánh. Lúc đó tôi rất hoang mang, phải báo địa phương đến giải quyết”, ông N. cho biết. Sau lần ấy, ông không dám ý kiến gì đối với các trường hợp hành xử chưa đúng ở khu vực.
Một trường hợp khác, sau nhiều ngày không ngủ được do một nhà trong hẻm bày tiệc nhậu và nói chuyện ồn ào đến đêm khuya, bà N.T.M.T. (phường 8, quận 4) phản ánh đến cảnh sát khu vực để nhờ nhắc nhở. Thế nhưng, sau khi cảnh sát khu vực rời khỏi, các thành viên “bữa tiệc” tiếp tục nhậu đến gần 3 giờ sáng và liên tục chửi vọng vào nhà bà T. Sau đó, những bữa nhậu ồn ào đến nửa đêm vẫn tiếp diễn và ngày ngày gia đình bà T. phải nghe những lời mắng chửi, đe dọa, vì bà dám “méc” cảnh sát khu vực.
“Gia đình tôi đã nhiều lần góp ý nhẹ nhàng nhưng họ vẫn không giảm ồn ào vào đêm khuya. Bất đắc dĩ tôi phải báo cơ quan chức năng giải quyết. Trong xóm có rất nhiều người phải đi làm từ sáng sớm, có cả người già, nên việc gây ồn ào đến nửa đêm làm ảnh hưởng sức khỏe mọi người. Vậy mà…”, bà T. bức xúc.
Trước thực tế này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 8 quận 4 Nguyễn Thị Phương Thảo nhìn nhận, trên địa bàn phường có nhiều thành phần phức tạp và không tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn giữa người dân với nhau. Trong quá trình giải quyết phản ánh của người dân, phường chú trọng các giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng hăm dọa, trả thù người phản ánh. Trong đó, ngoài giải quyết sự việc, thông qua chi bộ và ban điều hành các khu phố, cấp ủy phường sẽ nhận định trước thái độ của đối tượng vi phạm để lên phương án xử lý.
Ngăn chặn hành vi trả thù
Về việc những trường hợp ở phường 8 quận 4 bị hăm dọa sau khi phản ánh, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị người dân trực tiếp liên hệ Đảng ủy, UBND phường để được hỗ trợ. Ngay khi đối tượng vi phạm có hành vi hăm dọa người phản ánh, phường yêu cầu các ban ngành, đoàn thể tiếp cận, tuyên truyền. Trường hợp cố tình vi phạm, phường sẽ áp dụng chế tài mạnh hơn.
Liên quan đến việc bảo vệ người dân phản ánh, tố giác về tình hình ở địa phương, lãnh đạo một số quận, huyện ở TPHCM thông tin, hiện chưa có quy định rõ ràng bảo vệ người phản ánh, tố giác hành vi sai phạm. Do đó, các địa phương vận dụng Chỉ thị 27-CT/TW (năm 2019) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Thông tri 28-TT/TU (năm 2019) của Thành ủy TPHCM. Trong đó, Chỉ thị 27-CT/TW yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên phải tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người phản ánh, tố giác. Tương tự, Thông tri 28-TT/TU yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố giác thuộc phạm vi phụ trách.
Dù vậy, trên thực tế không phải cấp ủy nơi nào cũng chủ động có phương án, giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người phản ánh, dẫn đến việc người dân ngán ngại, thờ ơ với việc nêu ý kiến, phản ánh. Ngược lại, nếu địa phương có giải pháp, cách làm hữu hiệu sẽ góp phần ổn định tình hình ở khu dân cư và cổ vũ người dân mạnh dạn tố giác, phản ánh.
Bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 Phạm Xuân Khánh chia sẻ, thời gian qua, phường duy trì các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến và gián tiếp. Bằng việc xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, đồng thời có giải pháp hỗ trợ nên ở phường không phát sinh tình huống người phản ánh, tố giác bị đe dọa.
“Ngay khi tiếp nhận phản ánh, tố giác, song song với chỉ đạo giải quyết, lãnh đạo phường giao cảnh sát khu vực kết hợp với đơn vị chức năng để vừa xác minh, xử lý, vừa giám sát các hành vi của đối tượng bị phản ánh. Điều này nhằm bảo vệ người phản ánh và ngăn ngừa phát sinh các mâu thuẫn sau khi người dân có ý kiến, phản ánh”, đồng chí Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.
TS TRẦN THỊ HÀ VÂN, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM: Bảo vệ, bảo mật thông tin người tố giácChỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Thông tri 28 của Thành ủy TPHCM đã quy định trách nhiệm đối với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, trong việc bảo vệ người phản ánh, tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, việc phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố giác là giải pháp cốt lõi. Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải phối hợp tốt và có biện pháp cụ thể để bảo vệ, bảo mật thông tin người phản ánh, tố giác, tránh để lộ thông tin ra ngoài; đồng thời thông báo đến cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố giác. Thêm một yêu cầu căn cơ là phải giải quyết, xử lý nhanh các vụ việc được phản ánh, tố giác để khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân mạnh dạn phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm. |
THU HƯỜNG - VÕ TƯỜNG/ SGGP