Bay đến Paris thời Omicron
Sau hơn 2 năm bị "trói chân" không thể bay quốc tế do đại dịch COVID-19, tôi có dịp đi công tác đến thủ đô Paris của Pháp trong thời điểm biến thể Omicron vẫn đang thống trị ở châu Âu.
Pháp đạt đỉnh dịch với hơn nửa triệu ca COVID-19 vào ngày 25-1 và sau đó giảm dần. Ngày 11-2 chỉ còn hơn 122.000 ca COVID mới. Do vậy, từ 12-2, Chính phủ Pháp đã nới lỏng biên giới với những quy định nhập cảnh "dễ thở" nhằm vực dậy nền kinh tế và du lịch bị tàn phá bởi dịch bệnh trong hơn hai năm qua.
Đi "khó", đến "dễ"
Tôi có cơ hội đi công tác ở Paris khi là một trong 12 nhà báo nước ngoài được Bộ Ngoại giao Pháp mời tham dự Diễn đàn hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tổ chức ngày 22-2.
Để bay quốc tế trong thời dịch, bạn cần thực hiện nhiều giấy tờ liên quan đến dịch bệnh như giấy chứng nhận vắc xin và xét nghiệm âm tính.
Trước ngày 12-2, công dân nước ngoài đến Paris cần phải có xét nghiệm âm tính PCR trong vòng 72 tiếng hay xét nghiệm nhanh âm tính (antigen) trong vòng 48 tiếng trước khởi hành. Nhưng sau 12-2, Pháp đã bãi bỏ yêu cầu giấy chứng nhận âm tính. Hành khách đến từ các quốc gia vùng xanh (trong đó có Việt Nam) chỉ cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong danh sách được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt là được nhập cảnh.
Thời điểm tháng 2, từ Hà Nội đi Paris chỉ có lựa chọn duy nhất là bay quá cảnh ở sân bay quốc tế Changi, Singapore và sau đó bay nối chuyến từ Singapore đến Paris. Giá vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông chặng Hà Nội - Paris theo hành lang du lịch an toàn (VTL) khoảng 1.200 USD (khoảng 27 triệu đồng).
Trung tâm Paris (khu vực sông Seine) vắng người sáng 25-2 - Ảnh: Q.TRUNG
Hôm tôi bay, dù phía Pháp không yêu cầu chứng nhận xét nghiệm âm tính nhưng Singapore vẫn yêu cầu phải có chứng nhận âm tính với COVID trong vòng 48 tiếng (hoặc chứng nhận khỏi bệnh). Do đó, nếu chẳng may quên hoặc không biết quy định quá cảnh ở Singapore, bạn có thể lỡ chuyến bay.
Sân bay quốc tế Nội Bài thời điểm này trông rất đìu hiu. Chỉ duy nhất có vài quầy làm thủ tục. Trong một nhóm nhỏ vài chục hành khách đợi làm thủ tục, phần lớn là nhiều người lớn tuổi vác hành lý lỉnh kỉnh đi Canada, Mỹ, Úc... để thăm người thân, một số ít du học sinh.
Dù vắng khách nhưng thời gian làm thủ tục check-in lâu hơn, thậm chí kéo dài gần 30 phút/người, bởi vì các nhân viên hãng hàng không ngoài việc kiểm tra hộ chiếu, visa như thường lệ, còn phải soi chiếu quy định kiểm soát dịch bệnh ở từng nước. Chẳng hạn như có quốc gia (điểm đến) chỉ yêu cầu chứng nhận âm tính theo xét nghiệm nhanh (antigen), song cũng có nước yêu cầu phải có xét nghiệm PCR.
Chuyến bay từ Hà Nội đi Singapore hôm đó chỉ có vài chục hành khách dù Singapore Airlines triển khai máy bay khoang rộng Airbus A330 với khoảng 270 ghế ngồi. Sau đó, chuyến bay nối tiếp từ Singapore đi Paris dù đông khách hơn nhưng cũng còn nhiều hàng ghế trống.
Do đó, khá bất ngờ khi Singapore Airlines công bố quý có lãi đầu tiên là quý 3-2021 với lợi nhuận 85 triệu USD, sau hai năm bị thiệt hại nặng do đại dịch. Singapore Airlines cho biết hãng này có lợi nhuận là nhờ vận chuyển hàng hóa và số lượng hành khách bay quốc tế tăng lên.
Sau chuyến bay dài 13 tiếng, tôi đến sân bay quốc tế Charles de Gaulle và nhập cảnh Paris vô cùng dễ dàng. Do tôi đến từ quốc gia thuộc "vùng xanh", nên nhân viên an ninh chỉ kiểm tra hộ chiếu và visa rồi cho phép đi. Trong khi, các hành khách từ một số quốc gia châu Phi và các quốc gia trong danh sách "vùng cam" (do lo ngại các biến thể mới) phải vào một khu vực riêng để xét nghiệm.
Đìu hiu du khách
Theo quan sát của người viết, cuộc sống ở thủ đô Paris hầu như trở lại bình thường như trước dịch bệnh, gần như không còn hạn chế nào.
Tuy nhiên, Pháp hiện chỉ mới cho đi lại tự do đối với công dân 27 quốc gia thành viên EU chứ chưa mở visa du lịch rộng rãi cho các quốc gia ngoài khối. Do đó không ngạc nhiên khi thủ đô Paris, một trong những thiên đường du lịch trước dịch, lại trông vô cùng vắng vẻ thời điểm này.
Tháp Eiffel ngay thời điểm cuối tuần cũng chỉ lác đác du khách tham quan, chủ yếu là người địa phương. Trong khi hai bên bờ sông Seine thơ mộng rất thưa vắng người qua lại. Có cảm giác Paris đang trong cơn ngủ đông kéo dài mà chưa biết khi nào tỉnh giấc.
Để có "cuộc sống bình thường", du khách cũng như người địa phương bắt buộc phải có "chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 của EU" (còn gọi là hộ chiếu vắc xin). Giấy chứng nhận này kèm mã QR gồm 3 nội dung: chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19, kết quả mới nhất xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có kháng thể sau khi khỏi bệnh.
Dù vắng bóng du khách, nhưng bù lại về đêm, các nhà hàng ở Paris rất đông đúc thực khách địa phương. Những nhà hàng có tiếng như La Closerie Des Lilas với các món ăn trứ danh không còn chỗ trống về đêm khi chúng tôi đến.
Quay trở lại vấn đề du lịch, trong năm 2019, trước dịch bệnh, du lịch chiếm 8% GDP của Pháp và 9,5% công việc khắp nước Pháp. Có khoảng 90 triệu du khách đến Pháp vào năm 2019. Tuy nhiên, hơn hai năm dịch bệnh vừa qua là ác mộng của ngành du lịch pháp. Năm 2020, lượng du khách giảm mạnh xuống chỉ còn 40 triệu, trong khi con số năm 2021 ước tính khoảng 50 triệu, theo trang tin thelocal.fr.
Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới dự đoán ngành du lịch của Pháp năm nay sẽ phục hồi mạnh mẽ nếu như nước này tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Chính phủ Pháp dự kiến sẽ bãi bỏ các biện pháp hạn chế như mang khẩu trang và nới lỏng quy định về "giấy chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 của EU" nếu tình hình dịch bệnh cải thiện.
Tuy nhiên, trước mắt Pháp đối diện với nhiều thách thức lớn đối với ngành du lịch, trong đó đáng lo nhất là tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.
Trò chuyện với đoàn nhà báo châu Á chúng tôi vào tối 25-2, ông David - người Hong Kong, làm nghề pha chế cho quán bar trong khách sạn Le Littré ở quận 6 (Paris) - cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên rất ít khách uống rượu tại quán bar của ông như trước dịch.
Theo ông David, không chỉ nghề pha chế mà còn nhiều công việc khác ở Paris đang rất thiếu hụt lao động do vắng khách và nhiều lao động nghỉ để tránh dịch. "Tuy nhiên, các khách sạn ở Paris vẫn rất cần người pha chế, nên đây cũng là lý do để chúng tôi thỏa thuận mức lương cao hơn với chủ sử dụng lao động" - ông David chia sẻ.
Xét nghiệm đắt đỏ
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại hiệu thuốc ở trung tâm Paris - Ảnh: KOSUKE TAKAHASHI
Sau khi cung cấp chứng nhận tiêm vắc xin đủ 3 mũi ở Việt Nam, tôi được phía Pháp cung cấp "chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 của EU" để thuận tiện đi lại, ăn uống và họp hành ở Paris. Nếu không được cấp giấy chứng nhận này, bạn buộc phải xét nghiệm nhanh để chứng minh âm tính mỗi ngày với chi phí đắt đỏ.
Một đồng nghiệp người Nhật do không bổ sung kịp thời giấy chứng nhận tiêm mũi 3 ở Nhật, nên không đủ điều kiện để được cấp "chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 của EU". Do đó, để được đi ăn tại các nhà hàng và dự các cuộc họp trong nhà ở Paris, anh này phải đi xét nghiệm nhanh mỗi ngày và rất tốn kém.
Ở Paris, các nhà thuốc đều có dịch vụ xét nghiệm COVID nhanh (antigen) với chi phí dao động từ 20 - 30 euro (500.000 - 760.000 đồng). Mức xét nghiệm nhanh này dù là bình thường so với thu nhập và mức sống của người Pháp nhưng khá đắt đỏ so với Việt Nam và nhiều quốc gia khác.