Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tiếp Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
Bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đến Bộ Ngoại giao trình Thư Ủy nhiệm nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). (Ảnh: TTXVN)
Ngày 19/10, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đến trình Thư Ủy nhiệm nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của UNDP vào phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Bộ trưởng đề nghị UNDP tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tiến hành công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước với 3 đột phá về hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng.
Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng đề nghị UNDP hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó tập trung hỗ trợ các lĩnh vực hoàn thiện khung pháp lý, tiếp cận tài chính và công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị UNDP quan tâm hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi số, khắc phục hậu quả bom mìn, tạo điều kiện để có thêm cán bộ Việt Nam làm việc tại UNDP.
[Tân Trưởng Đại diện UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển]
Về phần mình, bà Ramla Al Khalidi chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.
Bà khẳng định UNDP luôn coi trọng hợp tác với Việt Nam và sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, các cơ quan Việt Nam để thực hiện thành công Văn kiện Chương trình quốc gia giữa Việt Nam và UNDP giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm phục hồi kinh tế, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực y tế-giáo dục.
UNDP là tổ chức viện trợ phát triển lớn nhất hệ thống Liên hợp quốc hiện nay. Thành lập năm 1965 tại New York (Hoa Kỳ) trên cơ sở hợp nhất hai cơ quan của Liên hợp quốc là Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật mở rộng (EPTA) và Quỹ Đặc biệt của Liên hợp quốc, UNDP là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, chịu sự chi phối của Đại hội đồng và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC).
Đại hội đồng quyết định các vấn đề chính sách lớn của UNDP, ECOSOC xác định các nguyên tắc, quy chế hoạt động.
UNDP có chức năng nhiệm vụ bao gồm giúp đỡ nỗ lực của các quốc gia nhằm đạt được mục tiêu phát triển con người bền vững, bằng cách hỗ trợ xây dựng năng lực trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình phát triển nhằm xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và tìm phương cách mưu cầu sự sống bền vững, nâng cao địa vị của phụ nữ, bảo vệ và tái tạo môi trường, ưu tiên hàng đầu cho xóa đói giảm nghèo; nâng cao sự tự chủ của các nước đang phát triển đối với năng lực quản lý, kỹ thuật, hành chính và những nghiên cứu cần thiết để xây dựng và thực hiện các chính sách và kế hoạch phát triển của các nước; tăng cường sự tham gia rộng rãi hơn của nhân dân./.
(TTXVN/Vietnam+)