Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sắp thăm Áo, Italy và Tòa thánh Vatican

Published Date
18/07/2023

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp nhà nước Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23-28/7. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sắp thăm Áo, Italy và Tòa thánh Vatican
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm chính thức ba nước châu Âu từ 23-28/7.

Nhận lời mời của Tổng thống Áo Alexander Van der Belle, Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23-28/7.

Cộng hòa Áo

Cộng hòa Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1972.

Thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây phát triển tích cực, đặc biệt là trong hai năm qua. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 3,35 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2020. Năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 2,79 tỷ USD, giảm 16,7% so với năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch.

Các mặt hàng ta xuất sang Áo là điện thoại các loại và linh kiện, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác... và nhập từ Áo dược phẩm, máy móc, thiết bị, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Cộng đồng người Việt Nam ở Áo hiện có khoảng 6.000 người, hình thành từ sau năm 1975 và phát triển những năm 1990. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Áo tập trung vào kinh doanh, làm ăn chăm chỉ, không vi phạm pháp luật nước sở tại và được chính quyền sở tại đánh giá cao.

Cộng hòa Italy

Việt Nam và Italy thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tháng 01/2013, hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối địa phương.

Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Italy đến 2030. Hai bên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như: cơ khí chế tạo, kết cấu hạ tầng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm...

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021, kỳ vọng hướng tới mức 7-8 tỷ/năm. Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Hà Lan) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.

Hiện có khoảng 5000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Italy.

Tòa thánh Vatican

Việt Nam và Vatican chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam – Vatican, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Vatian. Đến nay, hai bên đã tổ chức 10 vòng họp.

Hồi tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thăm Vatican, trao đổi về tình hình quan hệ song phương và các vấn đề liên quan Giáo hội Công giáo Việt Nam. Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Vatican đạt nhiều tiến triển, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại điện không thường trú, đặc phái viên Vatican, Tổng giám mục Marek Zalewski.

https://baoquocte.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-va-phu-nhan-sap-tham-ao-italy-va-toa-thanh-vatican-234990.html

NHẤT PHONG