Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam

Published Date
03/08/2023

Vị thế của Việt Nam ở khu vực là điều mà hầu hết lãnh đạo của cả hai nước Áo và Ý nhấn mạnh với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong những ngày vừa qua.                                                                                      

                                                                                                                                                   

Hôm nay (29.7), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã rời khỏi châu Âu, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đến Áo, Ý và Toà thánh Vatican từ ngày 23 - 28.7.

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 1.

Lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Vienna (Áo)

Ảnh: Thống Nhất

Nhịp cầu Á - Âu

Điểm đến đầu tiên là Áo - đất nước đã cùng Việt Nam trải qua chặng đường lịch sử lâu dài. Hai nước đã gắn kết với nhau bằng mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp, được đặt nền móng từ hơn 150 năm trước khi đế chế Áo - Hung lần đầu tiên cử lãnh sự danh dự tới Sài Gòn, nay là TP.HCM. Năm 1972, Áo là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Xuyên suốt nửa thế kỷ vừa qua, quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện về mọi mặt, từ kinh tế đến văn hoá, giáo dục, nghiên cứu khoa học. Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương có lúc từng đạt khoảng 4 tỉ USD vào thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Về vai trò của Việt Nam đối với giao thương quốc tế của Áo, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày 24.7, đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác lớn nhất của Áo ở Đông Nam Á.

Không những vậy, Tổng thống Alexander Van der Bellen khẳng định Áo coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Áo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là về thương mại, đầu tư, mong muốn củng cố, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hai nước về kinh tế, giáo dục, văn hóa.

Lời khẳng định của Tổng thống Alexander Van der Bellen về vai trò của Việt Nam không phải chỉ nhằm mục đích ngoại giao mà đó là một điều đã được xác tín mạnh mẽ bằng chính thực tế.

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen và Phu nhân chủ trì Lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân

Ảnh: Thống Nhất

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Alfred Gerstl, thuộc Khoa Nghiên cứu Đông Á (Đại học Vienna, Áo) và là Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo - Việt Nam, đánh giá: "Việt Nam là một phần quan trọng của mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific). Do đó, Việt Nam là một địa điểm rất hấp dẫn đối với các công ty châu Âu và Áo". Phân tích thêm, ông Alfred Gerstl đã chỉ ra rằng Áo lẫn Liên minh Châu Âu (EU) đều nhận thức được tầm quan trọng của Việt Nam trong ASEAN. Do đó, Việt Nam thu hút sự quan tâm của EU nói chung và các thành viên như Áo nói riêng nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ với ASEAN.

Cũng trong cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tâm điểm của sự phối hợp đó là: Việt Nam làm cầu nối giúp Áo tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Áo là cầu nối giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với EU. Đó chính là cơ sở quan trọng để hai bên tăng cường quan hệ lên tầm cao mới.

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Alexander Van der Bellen chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Liên bang về Các vấn đề Châu Âu và Quốc tế Áo

Ảnh: Thống Nhất

Đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Việt Nam có vai trò quan trọng đối với EU, là trục kết nối giữa EU với ASEAN, nhất là hợp tác về tự do thương mại, kinh tế, đầu tư… cũng là điều mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ý Sergio Mattarella nhất trí trong cuộc họp báo chung vào ngày 26.7.

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ý Sergio Mattarella duyệt đội danh dự

Ảnh: Thống Nhất

Vai trò đó còn được Tổng thống Sergio Mattarella nhấn mạnh một lần nữa khi phát biểu trong Quốc yến chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại  Phủ Tổng thống ở Thủ đô Rome. Cụ thể, Tổng thống Sergio Mattarella khẳng định: "Việt Nam là đối tác quan trọng đối với sự cân bằng và tiến bộ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực mà Ý đang ngày càng chú trọng, nhất quán trong Chiến lược của Liên minh châu Âu".

Đó không hề là những lời xã giao mà thực tế và là quan điểm chung của giới chuyên gia quốc tế. Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Fabio Figiaconi (nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Tự do Brussel - VUB, Bỉ) cũng khẳng định: "Việt Nam có thể được coi là "cửa vào" của Ý tại thị trường ASEAN. Vị trí chiến lược của nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN khiến Việt Nam trở thành một đối tác không thể thiếu của Ý".

Là một chuyên gia về quan hệ giữa các nước EU với ASEAN và từng có thời gian làm việc tại Phòng thương mại Ý ở TP.HCM, ông Figiaconi còn nhấn mạnh: "Ý sẽ tiếp tục tăng cường can dự và hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai gần, nên Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những đối tác tham vấn chính".

Với vị chuyên gia này, trong quan hệ Việt Nam - Ý thì 2 nước là một sự bổ sung, tương hỗ nhau phát triển. Ông đánh giá: "Mối quan hệ hỗ tương giữa hai định chế khu vực mà hai nước là thành viên có thể tạo thêm cơ sở để Ý và Việt Nam phối hợp lập trường về các vấn đề cùng quan tâm và hợp tác trên cơ sở đặc biệt trong các tổ chức quốc tế như LHQ".

Sự tương hỗ nhau cũng được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cập khi phát biểu tại Quốc yến ở Phủ Tổng thống Ý. Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Ý đã hỗ trợ Việt Nam gần 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19; Việt Nam hỗ trợ Ý khẩu trang y tế. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Chúng ta cùng chia sẻ lúc khó khăn, cùng nhau vượt qua đại dịch".

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 5.

Chương trình hoà nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ý

Ảnh: Thống Nhất

Nếu như 50 năm trước, con tàu hữu nghị Australe chuyển nhu yếu phẩm của nhân dân Ý giúp đỡ nhân dân Việt Nam vào cuối năm 1973, thì sau 50 năm, tàu tuần tra Hải quân Ý "Francesco Morosini" vào tháng 5 vừa qua cập cảng TP.HCM để thăm viếng, thắt chặt quan hệ với một đối tác then chốt ở khu vực.  

Cũng phát biểu trong Quốc yến, Tổng thống Sergio Mattarella cho rằng trong các hoạt động quốc tế, Việt Nam và Ý đều dựa trên các giá trị của hòa bình và chủ nghĩa đa phương, những giá trị thiết yếu để đối mặt với những thách thức lớn trong hiện tại và tương lai. Từ cuộc chiến chống đói nghèo và mất an ninh lương thực đến hiện tượng di cư, từ cuộc chiến chống tội phạm quốc tế đến biến đổi khí hậu. Ý ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả các hoạt động quốc tế của Việt Nam, nhất là những đóng góp vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ý, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Giorgia Meloni vào ngày 26.7 tại Rome.

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni

Ảnh: Thống Nhất

Trong cuộc hội kiến, Thủ tướng Giorgia Meloni bày tỏ ấn tượng về nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động nhất ở khu vực Đông Nam Á, khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh hai nước còn nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác, quyết tâm cùng Việt Nam đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ý nhằm cùng vượt qua các thách thức hiện nay của thế giới và khu vực.

Với vị thế hiện có của Việt Nam, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ý được chính dư luận nước sở tại đánh giá mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển trong quan hệ 2 nước.

Điển hình, báo Notizie Geopolitiche đăng bài viết nhấn mạnh cuộc hội đàm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mattarella là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa nguyên thủ quốc gia của hai nước sau 7 năm, là cơ sở thúc đẩy sự tin cậy chính trị và tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Ý. Chuyến thăm càng có ý nghĩa quan trọng vì diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Đến thăm Toà thánh Vatican vào ngày 27.7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội kiến Giáo hoàng Francis. 

Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam - Ảnh 7.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Giáo hoàng Francis

Ảnh: Thống Nhất

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tòa thánh Vatican, Việt Nam và Tòa thánh Vatican thông qua "Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam".

Kết thúc chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 27.7, Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã ra thông cáo báo chí chung về việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.

Tất cả chứng minh chuyến đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lần này đã góp phần quan trọng xác tín về vị thế Việt Nam hiện nay. Qua đó, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của EU nói chung và các thành viên như Áo, Ý… nói riêng.

Tiếp tục khẳng định thành tựu tự do tôn giáo ở Việt Nam

Tại cuộc hội kiến ở Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cơ hội để hai bên trao đổi về tình hình Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Tòa thánh. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis đánh giá việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên tin tưởng rằng, Đại diện thường trú sẽ đóng góp tích cực cho quan hệ giữa Tòa thánh và cộng đồng Công giáo Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Tòa thánh.

Sau khi hội kiến Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng ngày đã gặp Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin. Tại cuộc gặp, Thủ tướng, Hồng y Parolin đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm tự do tôn giáo cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo. Thủ tướng, Hồng y Parolin cho biết Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong Giáo hội Công giáo với hơn 7,2 triệu giáo dân.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng, Hồng y Pietro Parolin đã trao đổi về việc hai bên thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam. Đây không chỉ là bước tiến về quan hệ giữa Việt Nam với Tòa thánh Vatican mà còn chứng minh thành tựu về tự do tôn giáo của Việt Nam.

Thực tế, những đóng góp của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền của thế giới cũng đã được khẳng định rất rõ ràng và mạnh mẽ. Bằng chứng là vào tháng 10.2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đó là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi trúng cử lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Theo Phạm Nguyễn, (Từ Rome)/Báo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/chuyen-cong-du-hien-duong-vi-the-viet-nam-18523072919495959.htm