Chuyên gia: Việt Nam là 'mỏ neo' trong chính sách Ấn Độ tại châu Á
Baoquocte.vn. Giáo sư Rajaram Panda chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trên bình diện hợp tác song phương, đa phương nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1972-2022).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân chuyến thăm New Delhi dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ giữa tháng 6/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Năm 2022, Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các chuyến thăm cấp cao, cuộc gặp gỡ, sự kiện văn hóa và giao lưu nhân dân đã diễn ra. Giáo sư nhìn nhận thế nào về quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện này? Theo ông, đâu là cột mốc đáng nhớ nhất trong quan hệ song phương?
Tôi cho rằng trong một mối quan hệ, tất cả các lĩnh vực đều có sự đóng góp đặc biệt và quan trọng trong củng cố quan hệ song phương hiện nay.
Với cá nhân tôi, mặc dù các vấn đề như giao lưu nhân dân vẫn giữ vị trí đặc biệt trong quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, song trong bối cảnh an ninh khu vực chứng kiến hàng loạt thay đổi lớn, khía cạnh chiến lược trong hợp tác song phương đang trở nên ngày một quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Tuy nhiên, như tôi đã nêu trên, tất cả các lĩnh vực đều có đóng góp riêng và vai trò không thể thay thế trong quan hệ song phương.
Trong bối cảnh Ấn Độ thúc đẩy chính sách Hành động hướng Đông, Việt Nam có thể làm gì để tối đa hóa lợi ích, mang đến những tiến triển đột phá trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân?
Ấn Độ coi Việt Nam là một "mỏ neo" trong chính sách Hành động hướng Đông tại châu Á. Chính sách này được xây dựng dựa trên liên kết lịch sử bền vững và được củng cố thông qua các hoạt động tiếp xúc, chuyến thăm cấp cao từ hai nước.
Tôi cho rằng sự thấu hiểu về mặt chính trị ở cấp chính phủ sẽ tạo môi trường thuận lợi để các lĩnh vực khác tiếp tục đơm hoa kết trái, vì lợi ích của hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam ngày 7-10/6. (Nguồn: TTXVN) |
Ông có thể chia sẻ về một số cơ hội và thách thức với quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay? Ấn Độ và Việt Nam có thể làm gì trước cơ hội và thách thức này?
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh cả Ấn Độ và Việt Nam không nên giới hạn việc giải quyết tất cả mọi thứ, dù là vấn đề song phương hay khu vực, trong khuôn khổ hai nước. Hai nước nên mở rộng phối hợp với các quốc gia khu vực khác có chung quan điểm.
Ví dụ, tôi cho rằng khuôn khổ ba bên Ấn Độ-Việt Nam-Nhật Bản là cần thiết, bởi cả ba nước có nhiều điểm chung và có thể hỗ trợ lẫn nhau trong làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, an ninh/chiến lược.
Đặc biệt, cả ba quốc gia có thể tăng cường đóng góp nhằm đảm bảo an ninh tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc hành động quyết đoán.
Không một quốc gia đơn lẻ nào được phép nắm quyền kiểm soát khu vực chung này của thế giới, nhất là một nơi có vai trò đặc biệt quan trọng với lợi ích của các nước khác.
Việt Nam được đánh giá là đang đóng vai trò ngày một quan trọng trong ASEAN. Trong khi đó, Ấn Độ luôn nhấn mạnh ASEAN là một trụ cột trong chính sách đối ngoại. Vậy hai nước có thể làm gì để thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Như tôi đã nêu, Việt Nam là một "mỏ neo" trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Ấn Độ cam kết sẽ tiếp cận mọi góc độ từ chính trị, kinh tế tới văn hóa để làm sâu sắc hơn quan hệ với khối ASEAN, không chỉ với Việt Nam.
Tuy nhiên, đóng góp của Việt Nam là không thể đo đếm được. Nếu thành công, cách tiếp cận hợp tác này có thể củng cố sức mạnh tổng hợp, đồng thời đem tới nhiều lợi ích cho khu vực, chứ không đơn thuần là củng cố quan hệ song phương.
Về vai trò trung tâm của ASEAN, đây là một vấn đề đáng lưu tâm, trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để tác động đến một số nước khu vực, bao gồm thành viên ASEAN.
Trước tình hình đó, Việt Nam và Ấn Độ có thể thảo luận tăng cường phối hợp chung trong ASEAN, đảm bảo rằng vai trò trung tâm của khối tiếp tục được duy trì, không bị suy yếu hay phớt lờ tại khu vực.
Xin cảm ơn ông!
Giáo sư Rajaram Panda hiện đảm nhiệm vị trí chuyên gia cao cấp tại Bảo tàng và Thư viện tưởng niệm Nehru, New Delhi. Trước đó, ông là chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA), Hội đồng về Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR), ICCR Chair tại Đại học Reitaku (Nhật Bản) và chuyên gia nghiên cứu của Hạ viện Ấn Độ. Ông từng là thành viên của Hội đồng điều hành, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Ấn Độ (ICWA) và Trung tâm Nghiên cứu An ninh và chiến lược tại New Delhi. Ông có nhiều năm công tác tại Quỹ Nhật Bản tại New Delhi. |
https://baoquocte.vn/chuyen-gia-viet-nam-la-mo-neo-trong-chinh-sach-an-do-tai-chau-a-189609.html
MINH QUÂN/Baoquocte.vn.