Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Trách nhiệm – Hành động
Quang cảnh chương trình.
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/8, HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình số tháng 8/2023 “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Trách nhiệm – Hành động”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ điều hành chương trình.
Khách mời tham gia chương trình có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ; Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính; Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.
Tham gia chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM và đại diện các ban của HĐND TPHCM.
Triển khai các cơ chế chính sách đảm bảo có trọng tâm trọng điểm
Tại chương trình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến cho rằng, HĐND, UBND TP cần xây dựng các cơ chế chính sách theo Nghị quyết 98 đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, trong đó dành đủ thời gian để TP tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội, đánh giá tác động của chính sách, đảm bảo các Nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND TP thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp TP.
Với việc ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến cho biết, cử tri TP mong muốn thời gian tới Chính quyền TP cần có giải pháp đổi mới về cơ chế, chính sách, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp TP, bảo đảm sự ổn định và phát triển TP. Bên cạnh đó, TP cần đề ra mục tiêu nâng cao chỉ số cải cách hành chính để góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ điều hành chương trình.
Một số ý kiến cho rằng, việc TP được vay với tổng mức dư nợ không quá 120% số thu được xem là nguồn lực để TP huy động. Khi huy động được nguồn này, TP dự báo việc sử dụng nguồn lực để đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, với các cơ chế, chính sách đặc thù được xem là cơ chế mang tính đột phá, vượt trội cho TP như hiện nay, TP cần có giải pháp để có thể triển khai kịp thời; TP cần định hướng để việc triển khai các cơ chế chính sách đảm bảo có trọng tâm trọng điểm, khả thi và phù hợp với thực tiễn tại TP và đảm bảo chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống.
Nghị quyết 98 là tiền đề thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực
Trả lời ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 trao cho TP 44 cơ chế, chính sách đặc thù trên 7 lĩnh vực; HĐND TP có 14 nhiệm vụ, 13 thẩm quyền; UBND TP có 6 nhóm nhiệm vụ. Khi xây dựng dự thảo Nghị quyết 98, UBND TP đã giao các sở, ngành liên quan đánh giá rất kỹ tác động các cơ chế, chính sách này; Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định, góp ý 2 lần; TP đã phối hợp cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ thông qua trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, có thể khẳng định việc đánh giá tác động các chính sách đã được thực hiện kỹ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
“Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, TP đã cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện; xác định 28 nội dung, đề án trình HĐNDTP thông qua tại các kỳ họp trong năm 2023; 26 nội dung, đề án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND TP phải hoàn thành trong năm 2023. Các nội dung này đang được các sở, ngành, các Tổ công tác khẩn trương chuẩn bị”- đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội TP phát huy vai trò nòng cốt thực hiện công tác giám sát quá trình thực thi công vụ; phản biện xã hội đối với những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần tăng tính đồng thuận của Nhân dân trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 98; Quan điểm của TP là khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành các chương trình, đề án triển khai Nghị quyết 98 ngay trong năm 2023 nhưng phải bảo đảm chất lượng nội dung từng đề án cụ thể và tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục theo quy định trình HĐND TP.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 có tác động trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải cách hành chính của TP mà cụ thể là tập trung vào 2 lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ. Đồng thời, đó cũng là nguồn động lực to lớn, là tiền đề thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực khác gồm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đồng chí Phan Văn Mãi tham dự chương trình
Cũng theo đồng chí Phan Văn Mãi, các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 nhằm giúp TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, đơn cử như Dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, trước đây do vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì nay, Nghị quyết 98 đã xác định rõ cơ chế cho phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu thỏa 3 điều kiện: thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo quy định, có diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu đất thực hiện dự án, đất chưa được giải phóng mặt bằng. Với cơ chế này, TP có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch treo, tạo bộ mặt đô thị mới cho khu vực bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP.
“Không có Nghị quyết nào bao trùm tất cả các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho một địa phương, Nghị quyết 98 cũng vậy. TP có độ mở rất lớn nên vẫn còn nhiều vướng mắc. Nghị quyết 98 cho phép TP báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết từng dự án cụ thể nên TP sẽ tận dụng cơ chế này để từng bước tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.”- đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trả lời về thành lập Sở An toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho rằng, theo các quy định về công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhiều ngành như: y tế, công thương, nông nghiệp. Do đó, khi kiểm tra, xử lý các vấn đề về thực phẩm phải xem xét thuộc lĩnh vực của ngành nào thì cơ quan phụ trách ngành đó xử lý, tuy nhiên, trên thực tế có những sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ bán ra thị trường thuộc lĩnh vực của nhiều ngành phụ trách dẫn đến tình trạng chồng chéo, khó khăn trong công tác xử lý. Nhằm khắc phục tình trạng hạn chế nêu trên, TP đã chủ động đề xuất Chính phủ thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng một mô hình cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu, sản xuất cho đến khâu thành phẩm và bán cho người tiêu dùng.
Đến nay, Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ giúp tạo điều kiện trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.
Đồng chí Huỳnh Thanh Nhân cũng cho biết, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP thành lập Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó mời các chuyên gia đầu ngành, giảng viên, nhà khoa học có kinh nghiệm trong các lĩnh vực để nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp sát với thực tiễn của TP thúc đẩy được sự tăng trưởng của TP trong mỗi lĩnh vực.
Đồng thời, tham mưu UBND TP tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo phù hợp cho từng lĩnh vực đáp ứng được yêu cầu công tác của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, hoàn thiện vị trí việc làm, mô tả công việc đối với từng vị trí công tác để việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng chuẩn hóa và xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, tham mưu UBND TP cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức định kỳ, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh để cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Long Hồ/(Thanhuytphcm.vn)