Nhà báo Jeva Lange của tờ The Week khi nói về dự luật SCRIPT Act của Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz quy định trách nhiệm của các hãng phim Hollywood trước yêu cầu kiểm duyệt, sự truyền bá quan điểm từ Trung Quốc nhận xét: Đã đến lúc các nhà làm phim ở Mỹ phải quyết định giá trị các sản phẩm nghệ thuật của mình.
Nhận xét ấy được đưa ra vào đầu năm 2020, khi giới quan sát ở Mỹ và các nước bắt đầu nhận thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc (TQ)lên nội dung các bộ phim bom tấn ở Hollywood. Phim trường này là niềm tự hào của Mỹ và khát khao của nhiều nước. Thế nhưng TQ vẫn có thể buộc các hãng phim Mỹ phải cắt bỏ đoạn này, thay thế đoạn kia.
Nếu các quốc gia chung tay xây dựng nhận thức tập thể thì có thể xóa bỏ "ma trận" đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: VPDF |
Thế nhưng đến khi dự luật SCRIPT Act của Thượng nghị sĩ Ted Cruz lên đến bàn Thượng viện Mỹ vào năm 2022, và thậm chí đến giai đoạn nửa cuối năm 2023, Hollywood vẫn chưa thể thoát khỏi sự kiểm duyệt và ảnh hưởng từ TQ. Nhiều bộ phim trong giai đoạn ba năm qua cho thấy sự giằng co giữa Hollywood và những nhà kiểm duyệt, nhà đầu tư phim của TQ. Trong đó có những bộ phim Hollywood đã từ chối lời đề nghị của TQ nhưng cũng có những bộ phim họ chấp thuận hoặc chủ quan bỏ lọt những tình tiết chính trị vốn không cần thiết - nếu không muốn nói là vô lý, phi pháp -mà TQ mong muốn truyền bá.
Mới đây, tờ Politico đã giật một tựa rất “gắt” khi công bố thông tin về những điều chỉnh của Bộ Quốc phòng Mỹ trong bộ quy tắc làm việc với các hãng phim: “Chúng tôi sẽ không giúp đỡ nếu các bạn chấp nhận cúi đầu trước TQ”. “Tối hậu thư” của Lầu Năm Góc, vốn là cơ quan hậu thuẫn hàng trăm năm qua cho Hollywood, rất đồng điệu với dự luật SCRIPT Act của Thượng nghị sĩ Ted Cruz. Điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà làm phim ở Mỹ suy nghĩ về tính nghiêm trọng của việc dễ dàng nghe theo các “chỉ đạo” từ chính quyền Bắc Kinh để thay đổi nội dung, cài cắm lập trường như yêu sách đường lưỡi bò phi pháp.
Không chỉ Mỹ, nếu nhiều quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và cả các nước châu Âu… cũng có những cảnh báo về hiện tượng lợi dụng phim ảnh để truyền bá yêu sách chủ quyền phi pháp thì sức mạnh đối trọng sẽ lớn hơn nhiều. Một phần, khi nhiều quốc gia cùng hành động thì vấn đề thay đổi góc nhìn của cộng đồng quốc tế, xây dựng “nhận thức tập thể” về những rủi ro từ TQ sẽ càng nhanh. Mặt khác, nếu đông đảo các quốc gia hợp lại thì “cán cân” quyền lực về thị trường sẽ cân bằng. Khi đó, đối phó với sự thị uy từ thị trường 1,4 tỉdân của TQ không phải là không có cách.
Theo ĐẠI THẮNG/Báo Pháp luật TP.HCM