Đại sứ Việt Nam tại Ukraine kể về “chiến dịch” sơ tán người Việt
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch bày tỏ: “Tôi rất mừng là sau các nỗ lực quyết liệt đến giờ này những ai muốn sơ tán đã sơ tán hết. Bà con đã ra được nơi an toàn dù rất vất vả và cũng là thành công...."
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyên Hồng Thạch ngày 7/3 đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Đông Âu kể về những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong việc sơ tán cộng đồng người Việt ở nước này, đặc biệt là tại 3 thành phố lớn có đông người Việt sinh sống là Kiev, Kharkov và Odessa.
Đón đồng bào Việt Nam tại nhà ga ở thủ đô Budapest, Hungary. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói trừ 2 thành phố Kherson và thành phố Mariupol ở gần bán đảo Crimea, bà con Việt Nam muốn sơ tán đều đã sơ tán hết. Một số quyết định ở lại để trông coi tài sản cho cộng đồng. Một số khác tìm cách sơ tán đến vùng nông thôn. Một số nữa vì những lý do cá nhân chọn ở lại.
Tại hai thành phố Kherson (có 80 người Việt) và Mariupol (có 100 người Việt) đã và đang xảy ra giao tranh, Đại sứ quán đã nhiều lần làm việc với hai bên Ukraine và Nga, và cả Phái bộ Giám sát Đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hơp tác châu Âu (OSCE) để tìm cách đưa bà con ra nhưng đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên bà con ở đây vẫn an toàn. Đại sứ quán hy vọng trong những ngày tới hai bên Nga và Ukraine sẽ thống nhất về hàng lang an toàn cho bà con đến được nơi an toàn.
Kể về những nỗ lực trong cuộc chiến bất ngờ này, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch xác nhận mặc dù đã có những cảnh bảo, song cuộc chiến này với hầu hết mọi người vẫn bất ngờ.
Khi giao tranh nổ ra, tâm lý chung của người Việt là không muốn sơ tán vì người Việt ở Ukraine hầu hết có nhà cửa, cơ ngơi, gia đình tại địa phương. Chính vì thế tâm lý của bà con là chờ xem “thế nào rồi mới quyết định, nhất là khi Nga tuyên bố không tấn công vào các điểm dân cư.”
Tuy nhiên sau 2 ngày giao tranh, đặc biệt là khi thấy có trường hợp máy bay không người lái bị bắn rơi và đâm vào một tòa nhà cao tầng và khi một nhà của người Việt ở ngoại ô thủ đô Kiev bị trúng tên lửa, may không có người trong nhà, Đại sứ quán nhận thấy phải gấp rút tổ chức sơ tán. Đó là lúc Đại sứ và Đại sứ quán quyết liệt vào cuộc để cộng đồng tản cư càng sớm càng tốt.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã yêu cầu các Hội người Việt tổ chức xe con thoi đưa bà con không có phương tiên ra ga xe lửa. Đại sứ khẳng định “Hội phải thể hiện vai trò tổ chức ở những lúc như thế này.” Và sau buổi làm việc quyết liệt với Hội người Việt tại Kiev, vào lúc 21-22h ngày 27/2 vừa qua, ngày hôm sau những nhóm sơ tán đầu tiên đã ra tàu. Một số đi phương tiện cá nhân và 2 hôm sau lãnh đạo Hội người Việt báo cáo đã sơ tán được 4/5 số người đăng ký.
Với Odessa và Kharkov, Đại sứ quán cũng trao đổi chi tiết thường xuyên trong nhóm. Vì Đại sứ quán không có cán bộ ở Moldova, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch kể: “tôi đề nghị anh Huy là doanh nghiệp ở Moldova đứng ra tổ chức giúp đưa đón bà con qua Moldova để sang Rumani. Phải nói anh Huy đã tổ chức rất tốt nên bà con đi qua Moldova gặp rất nhiều thuận tiện.”
Tại Kharkov, nơi gần biên giới Nga nhất, theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, “bà con muốn chờ xem khả năng sơ tán sang phía Nga thế nào. Nhưng sau khi thấy tình hình phối hợp giữa hai bên Nga và Ukraine để đưa bà con ra an toàn qua vùng chiến sự là không thể, ngày 1/3 vừa qua, Đại sứ quán đã quyết liệt yêu cầu Hội người Việt ở Kharkov đưa bà con sơ tán về phía Tây và tốt nhất là đi tàu do đi ô tô vừa không an toàn vừa có nguy cơ không mua được xăng, hỏng xe….”
Việc quyết tâm đổi hướng sơ tán đã giúp bà con không “lấn cấn chuyện đi ngả nào.” Chính nhờ những quyết định đúng đắn của Đại sứ quán mà bà con người Việt tại Kharkov đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch bày tỏ: “Tôi rất mừng là sau các nỗ lực quyết liệt đến giờ này những ai muốn sơ tán đã sơ tán hết. Bà con đã ra được nơi an toàn dù rất vất vả và cũng là thành công. Nếu không vất vả đã không là chiến tranh"./.
Theo Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)