Đề xuất đột phá của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hợp tác ACMECS và CLMV
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là thời điểm vàng để ACMECS và CLMV cùng bứt phá, tạo động lực mới cho phát triển. Muốn thành công, các nước cần đồng lòng, khai thác tối đa nội lực, kết hợp với sức mạnh ngoại lực.
Ngày 7/11, tại Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10 và Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11, Thủ tướng đã chỉ ra những thách thức và cơ hội trong giai đoạn mới; đồng thời đưa ra các đề xuất chiến lược để thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững và nâng cao tính tự cường cho khu vực tiểu vùng Mekong.
Đề xuất 6 nội dung cho ACMECS phát triển bứt phá
Trong khuôn khổ hợp tác ACMECS, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò trung tâm của khối trong việc kết nối ASEAN với các khu vực kinh tế lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và giữa hai đại dương Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Thủ tướng khẳng định, đây là thời điểm để ACMECS xây dựng sứ mệnh mới, đưa các nước thành viên đến gần nhau hơn trong một cộng đồng Mekong đoàn kết, phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đưa ra 6 nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược và hành động trong hợp tác. Điều này đòi hỏi các kế hoạch hợp tác phải được triển khai với tính thực chất và đồng bộ cao, từ cấp độ chiến lược cho đến các bước thực thi cụ thể. Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD vào Quỹ Phát triển ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển của các nước thành viên.
Thứ hai, phải kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế truyền thống và hiện đại trong quá trình phát triển. ACMECS cần thúc đẩy đầu tư, thương mại truyền thống, song song với việc khai thác các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là công nghệ số. Việc hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng số là những yếu tố quan trọng giúp các nước thành viên tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba là chú trọng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu. ACMECS cần huy động nguồn tài chính xanh, đầu tư vào công nghiệp xanh, giao thông ít phát thải, đồng thời tăng cường quản lý bền vững nguồn nước Mekong. Để thực hiện, các nước cần chia sẻ dữ liệu và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, từ đó giúp bảo vệ hệ sinh thái và duy trì sự bền vững của toàn khu vực.
Thứ tư là thúc đẩy kết nối hạ tầng trong khu vực, nhất là trong giao thông và thương mại, là một ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng đề xuất các nước đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển hệ thống đường sắt, cao tốc để tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của hàng hóa và người dân. Điều này giúp ACMECS trở thành trung tâm hậu cần quan trọng trong khu vực, đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế.
Thứ năm là gắn kết cộng đồng - bao gồm cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp - trong mọi sáng kiến và dự án của ACMECS. Các kế hoạch cần được xây dựng xoay quanh lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo rằng họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và hưởng lợi từ hợp tác. Việt Nam cũng kêu gọi các bộ trưởng ACMECS phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các kế hoạch hành động với sự tham gia tích cực của các bên liên quan.