Du lịch hè sao cho an toàn, khỏe mạnh

Published Date
18/07/2022
Hè năm nay là mùa du lịch bùng nổ. Trong đó, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm được lựa chọn phổ biến vì người tham gia vừa tiết kiệm chi phí vừa có được nhiều trải nghiệm. Chuẩn bị gì cho trước, trong, sau chuyến đi và mọi người cần trang bị kỹ năng gì là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm...                                                                                                       

                                   Du khách trải nghiệm du lịch khám phá tại Suối Trúc, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: HOÀNG HÙNG                               

                               

Du khách trải nghiệm du lịch khám phá tại Suối Trúc, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: HOÀNG HÙNG                                          

Chuẩn bị đầy đủ 

Là người thường xuyên tham gia các chuyến du lịch khám phá, anh Trần Quang Vinh (27 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cho biết: “Nói về du lịch khám phá thì có thể hiểu là mình đi một cách chủ động, đi nơi nào mình thích và tìm kiếm điều mới mẻ ở nơi đó. Việc tự tìm kiếm điều mới mẻ để khám phá làm tôi thích thú, và tôi sẽ giới thiệu người khác đến tham quan”. 

Anh Vinh cũng chia sẻ, do đi tự túc nên trước khi đi anh phải chuẩn bị kỹ càng mọi thứ. Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm và chuẩn bị chu đáo, anh vẫn gặp phải những tình huống “cười ra nước mắt”.

 “Có lần tôi đi xe máy một mình đến An Giang. Mặc dù đã chuẩn bị đủ mọi thứ, nhưng do chủ quan vì nghĩ An Giang gần TPHCM nên tôi không mang theo bản đồ cũng như thức ăn vặt. Đến nơi, do trời tối, lại mưa tầm tã, khó quan sát và hỏi đường, tôi đi lạc một đoạn khá xa so với dự kiến, phải mất 2 tiếng mới quay lại đúng đường”, anh Vinh nhớ lại.

Cũng là “phượt thủ” có nhiều năm theo đuổi đam mê chinh phục thiên nhiên, anh Nguyễn Đình Tú (31 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) kể lại tình huống không mong muốn khi đi Đà Lạt cùng bạn bè và đến khám phá một ngôi làng. Do đang ăn theo chế độ giảm cân nên anh Tú mang theo ức gà đóng hộp và bánh mì đen. Sau khi ăn xong, anh Tú bị đau bụng dữ dội, nôn ói, toàn thân mệt mỏi, phải nhờ mọi người đưa vào trạm xá địa phương cấp cứu. Kết quả khám cho thấy anh Tú bị ngộ độc thực phẩm vì ăn phải đồ hộp bị nhiễm khuẩn…

Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, khi đi du lịch “bụi”, chúng ta cần trang bị các dụng cụ cá nhân, bảo hộ như: mắt kính, áo mưa, nón, khăn choàng, găng tay, giày… Ngoài ra, chúng ta nên chuẩn bị thực phẩm, nước uống, thuốc men, dụng cụ y tế tối thiểu, thông dụng như: vitamin, thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc trị tiêu chảy, băng keo cá nhân, băng dán, nước rửa tay nhanh. Bên cạnh đó, để chuyến đi an toàn hơn thì chúng ta nên tìm hiểu và cập nhật kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, kiến thức địa lý, đặc điểm vùng miền, kiến thức về dinh dưỡng giúp đảm bảo sức khỏe; cách chế biến, sử dụng, bảo quản các loại thức ăn, nước uống.

Sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn 

 Theo các bác sĩ, việc chuẩn bị dinh dưỡng cho bản thân trước khi đi du lịch rất quan trọng và cần thiết. Việc này tùy vào mục tiêu, sở thích, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, tình hình thực tế của nơi chúng ta đến để có thể chuẩn bị tối thiểu hay đầy đủ cho chuyến đi. Chúng ta nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối. Cụ thể, đủ năng lượng và các chất như: đạm, béo, bột đường, vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ; cần chú ý tăng cường thực phẩm tăng sức đề kháng, chống táo bón. 

“Chúng ta có thể dùng các loại thực phẩm giàu đạm là thịt chà bông, cá chà bông, thịt cá hộp, xúc xích, phô mai, sữa tươi, sữa chua… Về chất béo thì dùng dầu ăn, ô liu, mè, đậu phộng, hạt điều. Dùng bún, mì, phở ăn liền đối với nhóm thực phẩm giàu chất bột đường. Song song đó, rau, trái cây như: tảo sấy khô, trái cây đóng hộp và nước uống cũng cần được trang bị”, bác sĩ Dương Thị Kim Loan thông tin.

Đặc biệt, trong chuyến đi, mọi người nên sử dụng thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh việc ăn uống cân đối chất đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất thì chúng ta nên chuyển đổi các thực phẩm cùng nhóm, tránh thiếu hoặc thừa các chất dinh dưỡng. Ví dụ, ăn mì thì không ăn bánh mì, ăn cá hộp thì không ăn thịt hộp. 

Đặc biệt, do đặc điểm du lịch phượt, khám phá nên có thể giờ giấc ăn uống bị sai lệch so với thường ngày, nhưng tối thiểu không để tụt đường huyết do quá đói và mất nước do quá khát. Mùa hè nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, vì vậy chúng ta nên bổ sung nước ngay cho cơ thể. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Người có bệnh lý mạn tính nên uống thuốc đúng liều lượng.

“Để có được một chuyến du lịch vừa thú vị vừa đảm bảo sức khỏe, bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến hành trình như: con người, vật chất, kiến thức địa lý, lịch sử thì vấn đề dinh dưỡng hợp lý cho chuyến đi cũng vô cùng quan trọng, giúp chuyến đi càng thú vị và an toàn”, bác sĩ Kim Loan khuyến cáo.                                                     

KIM HUYỀN/SGGP

https://www.sggp.org.vn/du-lich-he-sao-cho-an-toan-khoe-manh-828036.html