Đưa học sinh trở thành công dân toàn cầu: Giáo dục thích ứng với sự thay đổi

Published Date
12/09/2023

Theo các chuyên gia, ngày nay giáo dục không chỉ tập trung đến kiến thức mà chú trọng việc người học thông hiểu, giải quyết những vấn đề đặt ra theo nhu cầu của cuộc sống và thích ứng với cuộc sống thường xuyên thay đổi.                                

                               

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục VN, chia sẻ  trong giáo dục không phải cho học sinh (HS) biết được cái gì mà phải làm được cái gì, phải trở thành con người như thế nào chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Theo UNESCO, chuẩn quốc tế về chất lượng giáo dục là sự thay đổi của mỗi con người chứ không phải nặng về "đếm" kiến thức.

Giáo dục người học thích ứng với sự thay đổi - Ảnh 1.

Nếu thực hiện đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông với điều kiện thật tốt thì cũng có thể đưa học sinh trở thành công dân toàn cầu

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục VN, cũng cho rằng: Trước đây, chúng ta ưu tiên là sau khi học xong, người học nhớ được những gì và khi thi có đạt kết quả cao hơn không. Ngày nay, giáo dục đổi mới chú trọng việc người học thông hiểu, giải quyết những vấn đề đặt ra, theo nhu cầu của cuộc sống và thích ứng với cuộc sống thường xuyên thay đổi. Rõ ràng, ngay từ khi còn học phổ thông, HS đã được chuẩn bị những kỹ năng nghề nghiệp và tâm thế để bổ sung vào lực lượng nhân lực chất lượng cao.

Khi chia sẻ với HS một trường phổ thông của Hà Nội mới đây về những năng lực cần trang bị cho người học trong thời kỳ hội nhập, bà Hồ Thu Lê (Công ty Tomochain Lab) cho rằng, một trong những điều vô cùng quan trọng là kỹ năng làm việc nhóm. Theo bà Lê, kỹ năng làm việc với nhau là điều mà hiện nay trong những môi trường giáo dục hiện đại các HS được học rất nhiều. "Bây giờ các HS được giao những cái gọi là dự án. Đó là một điểm thuận lợi, nên phát triển những kỹ năng này ngay từ sớm", bà Lê nói.

Việc học ngoại ngữ của học sinh ngày nay có nhiều thay đổi, đạt hiệu quả với sự hỗ trợ của công nghệ và thiết bị hiện đại

NHẬT THỊNH


Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng nếu thực hiện đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông trong nước với điều kiện thực hiện thật tốt như GV, cơ sở vật chất… thì cũng đạt được mục tiêu đưa HS trở thành công dân toàn cầu.

Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Hệ thống Edison, cho rằng chương trình phổ thông hướng tới phát triển năng lực. Đó là một quá trình rất lâu dài và ngành giáo dục đã đi đúng hướng. Theo chương trình mới, thay vì học thuộc lòng thì HS được tự tìm hiểu. Chính vì vậy, trong kết cấu chương trình, khoảng 30% thời lượng cho các dự án học tập, 30% thời gian thực hành và ứng dụng kiến thức. Như vậy, chỉ có khoảng 40% là lý thuyết hoàn toàn. Kết cấu chương trình đó giúp cho HS vừa học vừa thực hành ứng dụng, vừa có mổ xẻ vấn đề để hiểu và nắm chắc kiến thức, hình thành năng lực về học thuật; hình thành kỹ năng và giúp các con khám phá, rèn luyện năng lực của bản thân...

Theo Tuyết Mai/Báo Thanh Niên  

https://thanhnien.vn/dua-hoc-sinh-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-giao-duc-thich-ung-voi-su-thay-doi-185230908005554532.htm