Thị trường khổng lồ
Phân tích về những cơ hội để DN Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đầu tư phát triển thị phần tại thị trường Ấn Độ, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, Ấn Độ có quy mô thị trường hơn 1,3 tỷ dân. Đây sẽ là thị trường tiêu thụ rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nước có ngành nông thủy hải sản, dệt may, da giày… phát triển mạnh.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc phát triển thị phần cũng như đầu tư tại thị trường Ấn Độ vẫn còn rất hạn chế. Hiện tại, Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài. Còn về kim ngạch thương mại song phương, giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt mức 13 tỷ USD vào năm 2021, tăng 36,5% so với cùng kỳ 2020 và dự kiến sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong năm 2022.
Trong đó, riêng với TPHCM, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,45 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020. “Hiện Ấn Độ đã vươn lên nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Do vậy, về phía DN Ấn Độ cần gia tăng nhập khẩu hàng nông sản, nhất là sản phẩm gạo, rau củ quả… Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, cùng với việc gia tăng nhập khẩu nông sản trong đó có nông sản từ Việt Nam, những rào cản kỹ thuật cũng được thắt chặt, bởi đây là yêu cầu nhằm đảm bảo duy trì thị phần xuất khẩu của DN Ấn Độ”, ông Harsh Vardhan, chuyên gia trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm, cung cấp thông tin.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sao Khuê SG chia sẻ, rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng tại thị trường Ấn Độ vốn không phải là mối lo của các DN. Bởi các DN trong nước đã khá quen với việc bị áp đặt nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe tại các thị trường xuất khẩu. Đơn cử, công ty có kinh nghiệm chuyên xuất khẩu hàng nông sản đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại những thị trường này, tiêu chuẩn an toàn chất lượng luôn được thắt chặt. Từ đầu năm đến nay, Nhật Bản đã đưa ra 25 thông báo mới về điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn chất lượng liên quan đến sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên nông sản nhưng không làm khó được DN. Hiện trung bình mỗi tuần, công ty xuất đi khoảng 3-7 container loại 20 feet hoặc 40 feet. Công ty cũng đã chuẩn hóa chất lượng đầu vào sản phẩm nhờ sự kết nối chặt chẽ với các hợp tác xã vùng nguyên liệu. Vấn đề quan ngại của công ty với thị trường Ấn Độ là tìm kiếm đối tác tin cậy để tránh rủi ro khi xuất khẩu.
Kết hợp thế mạnh mỗi nước để đón sóng đầu tư Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, trong 2 năm vừa qua, thế giới đã trải qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam và Ấn Độ đã dần kiểm soát, mở cửa trở lại và đang từng bước khôi phục kinh tế. Hiện TPHCM đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025. Trong đó, giai đoạn phục hồi bắt đầu từ nay đến hết năm 2022, giai đoạn phát triển là từ năm 2023 đến năm 2025. Vì vậy, năm 2022 được xem là năm hết sức quan trọng, đặt tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Để đạt được mục tiêu hồi phục kinh tế, chính quyền thành phố cần sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng DN trong và ngoài nước bao gồm cả cộng đồng DN Ấn Độ. Với những lợi thế cạnh tranh của riêng mình, Việt Nam và Ấn Độ đang nằm trong trung tâm của sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này thể hiện ở thực tế cả hai nước đang nhận được nguồn đầu tư nước ngoài lớn, mở ra cơ hội cho hai nước đón đầu giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, tạo ưu thế cho cả hai quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, các DN sẽ nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển, tận dụng lợi thế đón đầu đầu tư cũng như gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang hướng đến 2 nước. |
Tuy nhiên, một số DN chuyên xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Ấn Độ chia sẻ, là thị trường lớn nhưng cũng có rủi ro. Các DN xuất khẩu thường phải yêu cầu DN Ấn Độ thanh toán 100% đơn hàng trước khi chuyển hàng đi để tránh nguy cơ mất hàng và không được thanh toán. Thế nhưng yêu cầu này thường khó được chấp nhận. Các DN trong nước chỉ mới kết nối với một số ít DN có quy mô lớn hoặc có hệ thống phân phối lớn của Ấn Độ. Điều này gây ra những hạn chế nhất định khi DN trong nước muốn mở rộng thị phần xuất khẩu.
Thúc đẩy hợp tác hai chiều
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các DN Ấn Độ. Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho rằng, DN Ấn Độ đánh giá cao tiềm năng đầu tại Việt Nam, tập trung 6 nhóm ngành là kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật số, thương mại điện tử, bán lẻ và nông sản. Cũng theo ông Pranay Verma, ngoài năng lực đầu tư thì mối quan hệ song phương bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm của hai nước và đặc biệt là sự kiện nâng tầm hợp tác chiến lược, toàn diện của 2 nước từ năm 2016 đã tạo đà cho DN Ấn Độ thúc đẩy đầu tư phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.