Làm tốt công tác bảo hộ công dân để xây dựng một cộng đồng gắn kết
Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã nỗ lực để hỗ trợ, bảo hộ công dân Việt Nam, giúp bà con hội nhập với nước sở tại, sống tôn trọng pháp luật và đoàn kết.
Chủ động đưa công tác lãnh sự và bảo hộ công dân đến với bà con người Việt là bước đi quyết liệt và hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trong hơn một năm qua nhằm xây dựng một cộng đồng người Việt gắn kết và gần gũi hơn tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngay từ đầu năm 2021, chính phủ Malaysia đã ban bố Tình trạng khẩn cấp và Lệnh hạn chế dịch chuyển nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Cuối năm, Malaysia hứng chịu trận lũ lịch sử lớn chưa từng có trong vòng 100 năm qua khiến 50 người thiệt mạng và khoảng 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa, thiệt hại lên đến gần 1,5 tỷ USD.
Trong những điều kiện khó khăn trên của nước sở tại, cộng đồng người Việt tại Malaysia cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định: mất việc làm, giảm thu nhập, không thể về nước do không có chuyến bay, mất tài sản do lũ cuốn...
Theo thống kê không chính thức, cộng đồng người Việt tại Malaysia hiện có khoảng 29.000 người. Ngoài 8.600 cô dâu Việt, người lao động chủ yếu làm việc trong các ngành nghề như dệt may, xây dựng, lắp ráp linh kiện điện tử và buôn bán nhỏ lẻ.
Để bà con không phải lo lắng và thấp thỏm khi không thể đến Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia làm các thủ tục pháp lý, ngay từ tháng 4/2021, các đoàn công tác của Đại sứ quán đã trực tiếp đến những địa phương có đông người Việt sinh sống như Klang, Penang, Johor… để trao quà, hỗ trợ bà con chống dịch, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 273 công dân Việt Nam tại Malaysia về nước, ngày 10/5/2020. (Ảnh: TTXVN)
Trong những ngày hè chói chang của khí hậu nhiệt đới, đường phố Malaysia vắng lặng do Lệnh hạn chế dịch chuyển, các đoàn công tác của Đại sứ quán vẫn đi hàng nghìn kilômét mỗi tuần để làm công tác thiện nguyện, đưa công tác lãnh sự đến với cộng đồng.
Không thể tả hết được nỗi vui mừng của người dân tộc Chăm tại Charating, Pahang khi bà con nhận được món quà hỗ trợ của Đại sứ quán.
Những bàn tay nắm chặt, những câu chuyện nói cười không ngớt, những cái ôm bịn rịn,… đã nói lên tình cảm của bà con sau khi được giải tỏa những lo lắng về thủ tục pháp lý và lãnh sự.
Bác Azit - dân tộc Chăm, 64 tuổi, đã sang Malaysia gần 30 năm - vô cùng phấn khởi khi cầm một tập hộ chiếu của gia đình đến nghe tư vấn của cán bộ lãnh sự.
Gặp tôi ngoài cửa, bác reo lên: “Tôi sắp được về thăm quê rồi! Cái quyển sổ này đã hợp pháp rồi. Tôi nhớ nhà quá! Nhà tôi ở Châu Đốc, cô biết không?”
Chị Aish, cũng là người dân tộc Chăm sang Malaysia từ năm 1972, vừa nói vừa hỏi tôi: “Tôi nói từ đó đã đúng chưa cô? Thỉnh thoảng tôi hay quên từ tiếng Việt vì lâu rồi không gặp được nhiều người Việt và được nói nhiều như thế này, cũng chưa bao giờ gặp cán bộ Đại sứ quán ở đây. Thế là con tôi có giấy khai sinh rồi…”
Bác Ismail, cũng định cư tại Malaysia hơn 30 năm, nghẹn ngào khi lần đầu tiên được tham dự Xuân quê hương tại Đại sứ quán: “Tôi thấy không khí ở đây ấm áp quá! Tôi cảm thấy như đang ở nhà mình, ở Việt Nam.”
Mặc dù có khoảng 2.000 người dân tộc Chăm sinh sống tại Malaysia, song với tinh thần đoàn kết, xây dựng một cộng đồng gắn kết, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã sớm có những kế hoạch chăm lo, bảo hộ đối với cộng đồng người Chăm.
Trong buổi lễ Xuân quê hương 2022 được tổ chức tại Đại sứ quán, Đại sứ Trần Việt Thái đã mời đại diện cộng đồng người Chăm tại Malaysia tham dự để lắng nghe tâm tư của cộng đồng thiểu số này, từ đó có những bước đi cụ thể nhằm thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho bà con ở nước ngoài, đặc biệt là người dân tộc.
Không chỉ cộng đồng người Chăm mà nhiều bà con người Việt ở Malaysia cũng đều xúc động khi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đến tận nơi, về tận nhà hướng dẫn và giải quyết mọi vướng mắc về hộ chiếu và các thủ tục pháp lý khác.
Trên chuyến bay đưa đưa ngư dân mãn hạn tù về nước hồi năm ngoái, nhiều ngư dân đã bật khóc bởi họ không nghĩ mình có ngày trở về.
Các ngư dân đã được hỗ trợ thuốc men, thực phẩm, giấy tờ hợp pháp, thậm chí cả chút lệ phí đi đường để về nước trên các chuyến bay giải cứu.
Là một địa bàn với nhiều điểm đặc thù, các nhân viên làm công tác lãnh sự của Đại sứ quán đều tìm cho mình những biện pháp nghiệp vụ riêng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và chính quyền nước sở tại để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.
Trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa, nhiều cơ quan của Malaysia giảm số lượng nhân viên đến công sở, do vậy, việc làm thủ tục pháp lý cho ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi số lượng người có nhu cầu về nước rất đông.
Trước sự thuyết phục của Đại sứ quán, Cục Nhập cư Malaysia đã cử nhân viên ra sân bay để làm thủ tục cần thiết cho công dân Việt Nam trước khi hồi hương.
Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã và đang nỗ lực để hỗ trợ, bảo lãnh công dân Việt Nam một cách nhanh nhất và tốt nhất, đúng như tinh thần mà Đại sứ Trần Việt Thái đã nhấn mạnh: “Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia luôn hỗ trợ bà con hết khả năng, mong bà con hội nhập với nước sở tại, sống tôn trọng pháp luật và đoàn kết”./.
Theo Hằng Linh (TTXVN/Vietnam+)