Luật sư người Mỹ say mê sử Việt

Published Date
24/12/2021

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, luật sư Thomas Treutler cho rằng với ông, đọc và tìm hiểu sử Việt giờ đây đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của mình.

Ông Thomas Treutler viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) - Ảnh NVCC

Là giám đốc một công ty luật tại Việt Nam, có bằng tiến sĩ luật ở Mỹ, ông Thomas Treutler (54 tuổi) đã khiến nhiều người bất ngờ khi đang miệt mài theo học chương trình thạc sĩ lịch sử bằng tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

U60 học cùng gen Z

* Ngày nay, người nước ngoài có thể tìm hiểu lịch sử Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau như đọc sách, xem phim hay ghé thăm những viện bảo tàng... Vì sao ông lại quyết định học thạc sĩ?

- Từ ngày mới đặt chân sang đây cách nay gần 30 năm, tôi đã bị cuốn hút với văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Tôi thích đọc sách, báo tiếng Việt, gần như không bỏ lỡ một số nào của các tạp chí Kiến thức ngày nay, Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Ở nhà tôi có một kho tạp chí cũ mà tôi lưu lại như những kỷ vật cho mình, cũng chính là những tư liệu của lịch sử.

Tôi chọn Việt Nam là nơi phát triển sự nghiệp, mở một công ty luật và lập gia đình. Nhưng như thế chưa đủ, tôi muốn có một văn bằng đại học Việt Nam, dù trước đó tôi đã tốt nghiệp cử nhân kỹ sư điện toán của ĐH Michigan (1990) và tiến sĩ luật ĐH Indiana (2001).

Hơn nữa, tôi thật sự muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam một cách khoa học từ các giáo sư hàng đầu chứ không chỉ dừng lại ở việc đọc sách, báo.

Từ năm 2019, tôi bắt đầu học tại khoa lịch sử. Do gốc là dân kỹ thuật và luật, tôi phải học thêm nhiều học phần chuyển tiếp với các lớp cử nhân trước khi vào chương trình thạc sĩ chính thức. Mỗi tuần 2 - 3 buổi, tôi đi xe ra làng đại học Thủ Đức học chung với các bạn sinh viên.

* Ở tuổi U60, việc học chung với những bạn trẻ Gen Z chắc hẳn là một trải nghiệm rất đặc biệt với ông?

- Đúng vậy. Có những sinh viên chỉ 18 - 20, ở tuổi con trai tôi. Nhiều bạn hết sức ngỡ ngàng khi vào lớp đã thấy một người nước ngoài ngồi cạnh bên.

Các thầy cô thường giới thiệu dí dỏm: "Hôm nay lớp chúng ta đón một vị khách đặc biệt, ông Thomas, một luật sư người Mỹ đang sống tại Việt Nam". Chỉ một thời gian ngắn, các bạn rất quý mến tôi. Giờ chơi, nhiều bạn đến hỏi han tôi về cuộc sống, công việc.

Có bạn nhờ tư vấn kinh nghiệm học tiếng Anh, du học. Ngoài ra, không ít môn học chúng tôi sẽ phải làm bài tập nhóm cùng nhau, kết hợp thuyết trình. Đôi lúc các bạn làm tôi trở về thời học sinh ở Mỹ, lúng túng và cảm thấy áp lực khi phải đứng giữa lớp phát biểu.

* Nhiều người Việt trẻ có quan điểm học lịch sử để làm gì, có kiếm tiền được đâu. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

- Ngày nay trong bất cứ lĩnh vực nào, từ kỹ thuật đến kinh doanh, những kỹ năng quan trọng hàng đầu là khả năng phân tích, diễn đạt, trình bày quan điểm và khả năng viết tốt. Nếu học lịch sử đúng cách, tôi nghĩ các bạn trẻ sẽ rèn luyện được những kỹ năng này để áp dụng vào rất nhiều công việc.

Ngoài ra, những người giỏi lịch sử tôi quen biết thường có kiến thức rất rộng, có tư duy tổng quát. Những bài học quá khứ được họ đúc kết trở thành những kinh nghiệm sống và làm việc cho mình. Trên hết, lịch sử cũng là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, để các bạn trẻ có thể hiểu được đất nước của mình trước khi bước chân ra thế giới.

* Nói tiếng Việt rất tốt, ông đã học và thành thạo ngôn ngữ này như thế nào?

- Những năm 1990 khi là kỹ sư ở thung lũng Silicon Valley, California (Mỹ), tôi có dịp dạy tiếng Anh cho người Việt di cư nên bắt đầu yêu thích tiếng nói, chữ viết của Việt Nam.

Năm 1991, tôi đăng ký học tiếng Việt tại ĐH Stanford (Mỹ). Tôi tìm mua quyển Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh và quyển Văn học Việt Nam sử yếu của Dương Quảng Hàm. Dù rất khó nhưng tôi đã cố gắng đọc hết 2 quyển này bằng tiếng Việt trước khi rời Mỹ.

Thời gian đầu ở Việt Nam (1993), tôi học thêm tiếng Việt tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Hà Nội), ĐH Tổng hợp TP.HCM và Viện Văn học (Hà Nội).

Từ năm 1994 - 1998, tôi làm thêm công việc dịch thuật cho một văn phòng luật sư nước ngoài tại TP.HCM, dịch Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật thương mại... sang tiếng Anh. Nhờ vậy, tôi hiểu được tiếng Việt một cách sâu sắc và thành thạo.

GS.TS Võ Văn Sen, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), từng giảng dạy nhiều sinh viên nước ngoài đến trường học hoặc nghiên cứu lịch sử nhưng trong số đó ông Thomas Treutler.

Mặc dù hết sức bận rộn với những công việc luật sư, ông vẫn dành nhiều thời gian để tìm kiếm và nghiên cứu vô số tài liệu cho các bài luận.

Ông biết cách đón nhận và thấu hiểu những quan điểm của Việt Nam về nhiều sự kiện lịch sử - điều mà không ít sinh viên nước ngoài thường gặp đôi chút khó khăn.

"Ông ấy là tấm gương về học tập và tình yêu lịch sử, không chỉ cho các sinh viên của khoa mà còn cho nhiều bạn trẻ cả nước. Một người Mỹ, lớn tuổi lại say mê với lịch sử như thế thì tại sao giới trẻ Việt Nam lại không?" - GS.TS Võ Văn Sen nói.


Theo Tuổi Trẻ