'Ma trận' đường lưỡi bò phi pháp: Chuyên gia Mỹ nói gì?

Published Date
21/07/2023

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng Quốc hội, chính phủ Mỹ phải hành động trước thực trạng Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt, truyền bá quan điểm vào phim Hollywood.

Câu chuyện Trung Quốc (TQ) lợi dụng phim ảnh ở Hollywood để đưa các nội dung sai lệch như đường lưỡi bò hoặc can thiệp, kiểm duyệt nội dung phim theo hướng có lợi cho nước này đã và đang dần “nóng” lên tại Mỹ trong vài năm gần đây. 

Bộ Quốc phòng Mỹ “răn đe” nhà làm phim 

Cuối tháng 6-2023, tờ Politico đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều chỉnh các quy tắc làm việc với các hãng phim sau những lùm xùm về sự can thiệp của TQ đến nhiều bộ phim bom tấn. 

“Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không cung cấp sự hỗ trợ cho các nhà làm phim nếu có bằng chứng cho thấy hoạt động sản xuất phim đã tuân thủ hoặc rất có khả năng sẽ tuân thủ yêu cầu từ chính phủ TQ với mục đích kiểm duyệt nội dung của bộ phim nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao lợi ích quốc gia TQ” - tờ Politico dẫn lại thông tin nhận được từ Lầu Năm Góc.     

'Ma trận' đường lưỡi bò phi pháp: Chuyên gia Mỹ nói gì?  ảnh 1

Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz (trái) cho rằng bộ phim Barbie có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp để truyền bá yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ảnh: GETTY IMAGES, WARNER BOS

Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz cho biết ông rất hài lòng về những quy định mới của Lầu Năm Góc. Năm 2020, ông Cruz đã đưa ra ý tưởng về dự luật có tên The Stopping Censorship, Restoring Integrity, Protecting Talkies Act (gọi tắt là SCRIPT Act). Dự luật này được trình lên Thượng viện Mỹ vào tháng 1-2022, nhắm vào trách nhiệm của các nhà làm phim ở Mỹ khi để cho TQ kiểm duyệt, điều chỉnh và lồng ghép việc truyền bá những nội dung chỉ có lợi cho TQ vào phim.

Sức ảnh hưởng của TQ đến Hollywood từ đâu?  

1,4 tỉ dân là thị trường béo bở mà bất kỳ nhà làm phim nào ở Hollywood và các phim trường lớn trên thế giới đều khao khát. Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở TQ, phòng vé nước này dự kiến sẽ vượt mặt thị trường Mỹ vào năm 2020, dẫn từ tờ The Week. Theo CNBC, những nhà điều hành của các hãng phim lớn tại Hollywood đều nhận thấy có đến 70% doanh thu của các bộ phim bom tấn đến từ thị trường quốc tế và TQ chiếm một phần lớn ở thị phần ấy.  

Những “đại gia” từ TQ cũng là những nhà đầu tư lớn đối với các hãng phim tại Hollywood, khiến các hãng phim Mỹ phải cân nhắc tính hấp dẫn và thực tế đã có những hãng phim chấp nhận sự kiểm duyệt gắt gao, hành vi cài cắm nội dung có lợi cho TQ vào phim mà đường lưỡi bò phi pháp là một ví dụ. 

“Chính quyền TQ đã chi không ít tiền cho việc kiểm duyệt và truyền bá. Những năm qua, một mặt Hollywood đã giúp TQ kiểm duyệt phim ảnh để đổi lại bộ phim được phát hành tại TQ, mặt khác họ lại hợp tác với chính quyền Mỹ để phát triển những bộ phim ấy” - ông Cruz nói. Vị này cũng nhấn mạnh những quy tắc mới của Bộ Quốc phòng Mỹ - áp dụng những quy định trong dự luật SCRIPT Act do ông Cruz làm tác giả - sẽ buộc các nhà làm phim phải chọn “một trong hai”. Ông cũng tin rằng Hollywood sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn, chống lại sự ảnh hưởng từ TQ.

Cần có sự can thiệp của Quốc hội Mỹ 

Giữa tháng 7 vừa qua, một số tờ báo quốc tế dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz đăng trên The Daily Signal cho biết ông “rất thất vọng” về bộ phim Barbie vì có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. “Đây là sự truyền bá của TQ, trong đó họ đang muốn khẳng định chủ quyền của họ đối với toàn bộ khu vực Biển Đông. Thực tế là TQ không có điều đó theo luật pháp quốc tế…” - ông Cruz nhận xét.

Không chỉ với Barbie, ông Cruz cũng từng lên tiếng phản đối sau khi trailer bộ phim Top Gun: Maverick (Phi công siêu đẳng Maverick) được ra mắt năm 2022 có dấu hiệu “can thiệp” từ nhà đầu tư TQ. “Điều ấy sẽ nói gì với cả thế giới khi phi công Maverick lại sợ chính quyền TQ?” - tờ Politico dẫn lại lời ông Cruz. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển, ĐH Hải chiến Mỹ, cho rằng việc lợi dụng phim ảnh để phát tán hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp góp thêm bằng chứng cho thấy TQ đang theo đuổi “cuộc chiến tranh pháp lý” toàn diện, sử dụng mọi đòn bẩy kinh tế và xã hội để đạt mục tiêu “bình thường hóa” việc bành trướng ở Biển Đông. “TQ có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Hollywood bởi họ sở hữu thị trường điện ảnh rộng lớn. Trong khi đó, nhiều chính trị gia và khán giả ở Mỹ hiếm khi tập trung và cũng thường không có đủ nhận thức về vấn đề này” - ông Kraska nói.  

Cũng theo vị chuyên gia này, Hiến pháp Mỹ quy định chính phủ không thể đưa ra các quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, và vì thế cũng không thể ép buộc nội dung của các bộ phim trừ khi nội dung ấy trái với quy định pháp luật, ví dụ phim kích động bạo lực. “Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng Quốc hội Mỹ có thể xem xét loại bỏ những biện pháp bảo vệ đặc biệt hoặc các ưu đãi về thuế đối với ngành công nghiệp điện ảnh ở Mỹ nếu các nhà sản xuất phim khuyến khích quan điểm, lập trường (không tuân theo luật pháp quốc tế - PV) của chính quyền TQ” - GS Kraska nhấn mạnh. Vị này khuyến nghị thêm các phương tiện truyền thông của Mỹ cũng nên tìm cách đăng tải quan điểm, lập trường của Mỹ và các quốc gia trong khu vực đến TQ để người dân nước này hiểu rõ.

Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ Hollywood ra sao?  

Theo tờ Politico, mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Hollywood đã rất lâu đời và khăng khít. Tờ The Independent cho biết trong giai đoạn từ năm 1917 đến 2020, Lầu Năm Góc đã giúp các nhà làm phim tại Hollywood sản xuất hơn 800 bộ phim, trong đó có những bộ phim “bom tấn” như Iron Man (Người sắt) và The Terminator (Kẻ hủy diệt). Các hãng phim được tiếp cận các cơ sở và thiết bị quân sự; được lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc.    

Tuy nhiên, không phải lúc nào Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hỗ trợ các hãng phim vô điều kiện. Nhiều trường hợp, các nhà sản xuất ở Hollywood đã không thể nhận được sự giúp đỡ từ Lầu Năm Góc vì nhiều lý do, ví dụ phim The Avengers (Biệt đội siêu anh hùng), The Hurt Locker (Chiến dịch sói sa mạc).

Theo ĐỖ THIỆN/Báo Pháp luật TP.HCM

https://plo.vn/ma-tran-duong-luoi-bo-phi-phap-chuyen-gia-my-noi-gi-post743308.html