Nâng cao hiệu quả việc giám sát của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên

Published Date
17/11/2023

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên” do Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) tổ chức ngày 16/11, các đại biểu nhấn mạnh, việc phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên sẽ góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín và bản lĩnh.

Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với hệ thống chính trị nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng ở cả Việt Nam và Lào hiện nay. Theo nguyên Phó Bí Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ đảng viên là một vấn đề lớn, có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và quy định ngày càng rõ ràng và chúng ta phải nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Việc phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tình hình hiện nay càng có ý nghĩa tích cực khi TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND ở quận, phường.

Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TPHCM trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị hiện nay, đồng chí Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND TP diễn ra trong bối cảnh TPHCM triển khai thực hiện chính quyền đô thị, cũng với những khó khăn ảnh hưởng từ đại dịch Covi-19; với truyền thống năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ, hoạt động giám sát của HĐND TP đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi pháp luật và thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP.

Riêng giám sát tại kỳ họp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND TP đã tổ chức giám sát 4 chuyên đề, ban hành 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 4 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Các nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp là cơ sở pháp lý để UBND TP, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để tái giám sát đối với các cơ quan liên quan.

Đồng chí Lê Minh Đức phát biểu tại Hội thảo.

Theo đồng chí Lê Minh Đức, cùng với việc giám sát giữa hai kỳ họp, HĐND TP đã giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP đã ban hành. Một trong những kết quả nổi bật khác là hoạt động giám sát thông qua mở rộng kênh tiếp nhận thông tin, tăng cường cơ chế đối thoại với cử tri. Trong đó, Thường trực HĐND TP đã thành lập nhánh số 1 của tổng đài 1022 để tiếp nhận thông tin của cử tri. Cùng với đó tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân với chính quyền TP thông qua các diễn đàn đối thoại diễn ra định kỳ hàng tuần như chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời”, “Đối thoại cùng chính quyền TP”...

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã phân tích, chỉ rõ những kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện những quy định liên quan đến phát huy vai trò giám sát của Nhân dân hiện nay. Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện vai trò giám sát của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đến việc tổ chức thực hiện trong thực tế.

Thạc sĩ Ọi-Chay Vị-Lay-Phon phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Phạm Phương Thảo đề xuất cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của cấp ủy và phối hợp của chính quyền trong đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là tập trung vào các vấn đề vụ việc bức xúc kéo dài. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong hoạt động giám sát. Cần có sự phối hợp, cộng hưởng, đồng hành của báo chí trong công tác giám sát. Trong quá trình giám sát khi phát hiện các bất cập của chính sách pháp luật cần kiến nghị sửa đổi bổ sung để hoàn thiện, nhất bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong tình hình hiện nay.

Thạc sĩ Ọi-Chay Vị-Lay-Phon, Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn, đã chia sẻ về việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên Thủ đô Viêng Chăn. Đề cập về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên ở Thủ đô Viêng Chăn trong thời gian tới, Thạc sĩ Ọi-Chay Vị-Lay-Phon cho biết, Thường vụ HĐND cần quan tâm lãnh đạo – chỉ đạo việc quy định các kế hoạch hoạt động giám sát cụ thể, rõ ràng. Cùng với đó là sửa đổi phương thức làm việc của HĐND và đại biểu HĐND một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, Ban Thường vụ HĐND, đại biểu HĐND với các cơ quan tổ chức Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức quần chúng khác.

Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM Nguyễn Văn Y phát biểu tổng kết Hội thảo.

Từ thực tế công tác tại cơ sở, đồng chí Trần Bá Hà, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Bến Nghé, Quận 1 cho biết, chi bộ ở cơ sở có tầm quan trọng trong tiếp thu ý kiến về giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở cấp cơ sở, đảng viên, cấp ủy nếu không gương mẫu sẽ không vận động được nhân dân và sẽ không có phong trào. Để vận động được nhân dân, tập hợp nhân dân, lắng nghe nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên nói chung điều đầu tiên chi bộ phải trong sạch vững mạnh, đủ khả năng tiếp thu, tổ chức cho nhân dân giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo đồng chí Trần Bá Hà, tổ chức đảng ở cơ sở phải vận động, củng cố để các chi bộ có thể vận động nhân dân đóng góp nhiều ý kiến một cách thực chất xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải xây dựng các chi bộ, có cán bộ, đảng viên để khi nhân dân đóng góp ý kiến thì tiếp thu thiện chí, đầy đủ, trách nhiệm.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, để người dân có thể giám sát hoạt động, giám sát cán bộ, đảng viên phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong các hoạt động để nhân dân tiếp cận; công khai những thông tin mà người dân cần biết, “dân giám sát” phải đi đôi với “dân biết”. Đối với MTTQ tập trung giám sát một số vụ việc cụ thể, trọng điểm, phải đi tận nơi, xem tận chỗ, lắng nghe ý kiến của nhân dân để có được kết quả giám sát chính xác. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dù đối tượng được giám sát là tổ chức hay cá nhân nào.

https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nang-cao-hieu-qua-viec-giam-sat-cua-nhan-dan-doi-voi-doi-ngu-can-bo-dang-vien-1491916016

Ng. Nam/(Thanhuytphcm.vn)