Cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 với thành phố Thủ Đức, đường song hành Võ Văn Kiệt, đường Kênh Nước Đen là 3 công trình trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được khánh thành đưa vào khai thác trước ngày 30/4.
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối Quận 1 với thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) có quy mô 6 làn xe (4 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp) dài gần 1,5 km, trong đó phần cầu dài gần 900 m được thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư.
Khi hoàn thành, công trình giúp kết nối giao thông giữa trung tâm Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội thành phố Thủ Đức nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung.
Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm thu hút người dân thành phố và du khách tham quan chụp ảnh.
Đường song hành Võ Văn Kiệt (Quận 1) có chiều dài 615 m, rộng 7 m đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ. Tuyến đường được hoàn thành sẽ giúp việc di chuyển từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Pasteur trở nên dễ dàng hơn.
Tuyến song hành nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, mất an toàn tại giao lộ Võ Văn Kiệt và đường Ký Con. Quan trọng hơn hết, tuyến đường còn là sự đồng bộ trong hệ thống giao thông tại khu vực này.
Dự án đường song hành Võ Văn Kiệt có tổng kinh phí đầu tư trên 50 tỉ đồng.
Sau 2 năm nâng cấp, chỉnh trang với mức đầu tư 629 tỷ đồng, dự án cải tạo kênh Nước Đen ở quận Bình Tân có chiều dài 1,4 km, rộng 40 m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh đã hoàn thành; góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan dọc hai bên bờ sông.
Lòng đường hai bờ kênh thông thoáng hơn sau khi được mở rộng, thảm nhựa cho 2 làn xe chạy, lắp hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, lát vỉa hè...
Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A và phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) nhiều năm qua là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân, cũng như mỹ quan đô thị TP Hồ Chí Minh. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5 m và làm vỉa hè rộng gần một mét cho người đi bộ.
Chùm ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức/TTXVN
https://baotintuc.vn/anh/ngam-3-cong-trinh-trong-diem-cua-tp-ho-chi-minh-truoc-ngay-khanh-thanh-20220424172341112.htm