Người Việt tại Bắc Kinh (Trung Quốc) gói bánh chưng đón Tết
Đối với mỗi người Việt, bánh chưng vừa tượng trưng cho nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc, vừa gói ghém trong đó cả nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương mỗi dịp Xuân đoàn tụ.
Tết Nguyên đán luôn đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, đặc biệt là người Việt xa xứ. Từ nhiều năm nay, hoạt động gói bánh chưng ngày Tết đã được duy trì thành nếp ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Đối với mỗi người Việt, bánh chưng vừa tượng trưng cho nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc, vừa gói ghém trong đó cả nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương mỗi dịp Xuân đoàn tụ.
Những ngày này, Bắc Kinh cũng sắp sang Xuân, nhưng nhiệt độ vẫn dưới 0 độ C và tuyết rơi trắng xóa. Trái lại với cái lạnh se sắt của đất trời, một không khí ấm áp tràn ngập gian bếp ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Người Việt tại Bắc Kinh tề tựu về đây gói bánh chưng cùng chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Người lớn chỉ dẫn trẻ nhỏ, người thành thạo hướng dẫn người chưa biết, tíu tít rộn ràng khi cho ra khuôn những tấm bánh vuông vức, xanh mướt màu lá dong.
Chu Thị Minh Thảo mới sang Bắc Kinh chưa lâu và lần đầu đón Tết tại Trung Quốc. Cô vô cùng bất ngờ và háo hức khi lần đầu tiên trong đời được tự mình gói những chiếc bánh chưng.
“Em mới sang, rất là may mắn có được cơ hội trải nghiệm gói bánh chưng cùng mọi người trong Sứ quán. Với em đây là một trải nghiệm rất ý nghĩa và vô cùng ấm cúng. Nó làm em vơi đi nỗi nhớ Tết cổ truyền ở Việt Nam. Mong là sau này có chút kinh nghiệm gói bánh chưng để về gói cho gia đình”.
Bánh chưng nét đặc trưng Tết Việt.
Khác với Thảo, Trần Thu Hằng đã ở Bắc Kinh đến Tết này là Tết thứ ba, đó cũng là ba năm dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và trên thế giới. Không thể về nhà đón Tết hay đoàn tụ cùng gia đình, cũng khá phiền hà khi đi du lịch ra khỏi Bắc Kinh, do vậy gói bánh chưng cùng cộng đồng với Hằng là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa. “Em cảm thấy rất vui và xúc động vì 3 năm nay do dịch bệnh em không về được ăn Tết ở quê nhà. Em được tham gia gói bánh chưng, đây là một hoạt động rất ý nghĩa, mang tính chất dân tộc, nên em rất cảm động", Trần Thu Hằng tâm sự.
Mặc dù Trung Quốc cách không xa Việt Nam như nhiều quốc gia khác, nhưng để có được những chiếc bánh chưng mang hồn dân tộc trong bối cảnh dịch bệnh, cộng đồng người Việt tại Bắc Kinh cũng phải mất khá nhiều thời gian và kỳ công chuẩn bị.
Anh Đào Quang Huy, phụ trách bếp ăn Đại sứ quán cho biết: “Công tác chuẩn bị bắt đầu từ 1 tuần nay. Chúng tôi đã phải đặt lá từ Việt Nam sang và chuẩn bị đỗ, gạo, ví dụ như lá dong này cần phải rửa từ hôm trước. Mặc dù anh em rất vất vả nhưng lại rất vui vì có không khí tết như ở quê nhà".
Chăm lo cho cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Bắc Kinh có một cái Tết sum vầy, đầm ấm, đủ đầy là điều Đại sứ quán luôn tâm niệm và hướng tới.
Chị Ngô Phương Lan, Hội trưởng Hội phu nhân, phu quân Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ: “Cũng như mọi năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, Sứ quán đều tổ chức cho cộng đồng người Việt ở Bắc Kinh, Trung Quốc đón Tết. Trong chuỗi hoạt động đó có việc gói bánh chưng, làm giò xào, cuốn nem là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Việt để phục vụ bà con cộng đồng người Việt ở Bắc Kinh. Để làm nên những tấm bánh chưng thật ngon, chúng tôi đã chuẩn bị lựa chọn các thực phẩm như thịt làm nhân, gạo, đậu có chất lượng nhất đảm bảo những tấm bánh chưng thật chất lượng phục vụ bà con trong cộng đồng người Việt đón Tết vui Xuân".
Sống, học tập và làm việc ở một quốc gia cũng coi trọng Tết Nguyên đán như Trung Quốc, với mỗi người Việt, gói bánh chưng luôn là ký ức gợi nhớ về Tết cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa hơn cả. Gói ghém trong mỗi chiếc bánh chưng xanh giản dị không chỉ là nỗi nhớ nhà, mà còn là truyền thống dân tộc để trao truyền cho các thế hệ sau./.