Sáp nhập TP.HCM: Hình thành siêu đô thị mới, mở đường cho phát triển đột phá

Published Date
22/04/2025

Việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là bước đi trọng yếu trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, mà còn mở ra cơ hội hình thành một siêu đô thị hiện đại, phát huy tiềm năng vùng Đông Nam Bộ và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho cả nước.

Tại Hội nghị lần thứ 39 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính phải được đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, của người dân và của Thành phố. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng đại mà còn là cơ hội để kiến tạo một mô hình quản trị hiện đại, hiệu quả hơn.

Dự thảo Đề án sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu xác định sẽ hình thành một siêu đô thị có diện tích trên 6.700 km² và dân số gần 14 triệu người.

Với quy mô này, TP.HCM mới sẽ trở thành trung tâm kinh tế - hành chính lớn nhất cả nước, đồng thời đóng vai trò đầu tàu phát triển của vùng Đông Nam Bộ và là một cực tăng trưởng mới trong chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2045.

z65073164495681b39d12aa511a808f9.jpg
                                                                                                         Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Phong

Một trong những mục tiêu cốt lõi của đề án là tinh gọn hệ thống tổ chức hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo định hướng, TP.HCM sẽ giảm từ 60 đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện tại. Tuy nhiên, việc sắp xếp không đơn thuần theo tỷ lệ cơ học mà sẽ dựa trên các tiêu chí khoa học, đảm bảo tính hài hòa giữa không gian hành chính và nhu cầu thực tiễn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên lưu ý rằng các đơn vị hành chính mới phải thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm gắn kết cộng đồng và thuận tiện cho đời sống người dân. Đặc biệt, việc đặt tên các đơn vị hành chính phải được cân nhắc kỹ lưỡng, ưu tiên những địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa, được người dân đồng thuận và ghi sâu trong ký ức cộng đồng.

Tiến trình sáp nhập được xác định thực hiện trong khung thời gian chặt chẽ, với mục tiêu hoàn tất các bước quan trọng trước cuối năm 2025. TP.HCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp cấp xã trước ngày 30/6/2025, kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện cũ trước ngày 1/7 và hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính cấp tỉnh mới trước 15/9/2025.

Để đảm bảo quá trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ, Thành phố sẽ chủ động bố trí nhân sự, sắp xếp lại trụ sở làm việc, trang thiết bị và điều kiện phục vụ hoạt động chính quyền mới.

Song song đó, tổ chức Đảng cấp xã sẽ được thành lập đồng bộ, đảm bảo tính kế thừa và vận hành ổn định. Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ được tổ chức đồng loạt trong tháng 6 và hoàn thành trước ngày 15/8/2025. Văn kiện và phương án nhân sự cho Đại hội Đảng bộ Thành phố sẽ hoàn tất trước 30/9, nhằm tiến tới tổ chức Đại hội trước ngày 31/10/2025.

Bên cạnh công tác tổ chức bộ máy hành chính, TP.HCM đặt ra mục tiêu kép trong năm 2025: vừa hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa khơi thông các điểm nghẽn đầu tư.

TP HCM thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị ...

Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên 95%, đồng thời tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, pháp lý, thủ tục hành chính để huy động mạnh mẽ dòng vốn tư nhân. Cùng với các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và du lịch, TP.HCM sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chiến lược mới gồm: bán dẫn, vi mạch, năng lượng tái tạo, dược phẩm, và công nghệ xử lý môi trường.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được triển khai linh hoạt, với trọng tâm là cải thiện tiếp cận tín dụng, ưu đãi thuế phí và kích cầu tiêu dùng nội địa.

TP.HCM xác định cải cách thể chế là chìa khóa thúc đẩy hiệu quả quản trị và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Công điện 22 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố sẽ tập trung cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh và 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Đây là những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng sẽ triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, coi đây là nền tảng để thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới năng động, từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực nội tại của nền kinh tế.

                                                                                                                                                                                         Theo https://doanhnhansaigon.vn/sap-nhap-tp-hcm-hinh-thanh-sieu-do-thi-moi-mo-duong-cho-phat-trien-dot-pha-317267.html