Trước khi bay sang Nhật hồi đầu năm nay, Lê Tuyết Mai sống ở TP.HCM. Do đó, cô gái 26 tuổi đã bị "sốc nhiệt" khi vừa đặt chân tới Aichi, một tỉnh thuộc vùng Chubu (Trung bộ) của Nhật.
"Tôi sang trụ sở chính của công ty tại Nhật làm việc được 1 tháng rồi, đúng vào dịp lạnh nhất trong năm. Khoảng một tuần trở lại đây thì nhiệt độ đột ngột giảm xuống dưới 0, lại có gió buốt thổi mạnh. Từ chỗ làm về tới khu nhà tôi ở chỉ mất 10 phút đi bộ nhưng đi lại ngoài đường trong thời tiết này thì giống như cực hình vì quá lạnh", Mai chia sẻ với Thanh Niên.
"Lạnh thấu xương" đúng nghĩa
Mai kể, trước khi bay cô đã chuẩn bị một va li lớn quần áo mùa đông, nhưng đến nơi cô vẫn phải mua thêm vì "mặc không đủ ấm". "Bữa nào tôi quên đeo găng tay thì hai bàn tay tê đến mức đau rát. Lúc này tôi mới biết cảm giác lạnh thấu xương thực sự là như thế nào", cô nói, đồng thời cho biết Aichi vẫn ấm hơn nhiều nơi khác tại Nhật.
Từ đầu tuần trước, một khối không khí lạnh mới đã bao trùm phần lớn Nhật Bản cũng như khu vực Đông Á. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, đây là "đợt giá rét mười năm mới có một lần" và đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng, tất cả đều là công nhân dọn tuyết, CNN đưa tin.
Sống tại thành phố Niigata ở phía tây Nhật Bản, Trần Thị Thúy Diệp cho biết đây là mùa đông đầu tiên của cô tại đất nước này. Trò chuyện với Thanh Niên khi nhiệt độ ngoài trời đang ở mức -2 độ C, Diệp nói từ Giáng sinh đến giờ cô đã trải qua 3 đợt tuyết lớn, bao gồm đợt tuyết bắt đầu từ cuối tuần trước và mới vừa kết thúc.
"Giờ thì đỡ rồi đó chứ tuần trước là -15 độ C. Tuyết rơi có nơi ngập đến quá đầu gối nếu không có ai đi dọn. Từ nhà tôi đến trường chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ thôi, nhưng hôm nào tuyết rơi kết hợp với mưa gió thì ra đường cũng vất vả lắm", Diệp, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành nha khoa, cho hay.
Cô nói vì trời lạnh nên hay có hiện tượng nước trong đường ống bị đóng băng - tình trạng mà bạn cô đã gặp và không có nước trong nửa ngày. Nhà trường đã gửi email cảnh báo và khuyến cáo mọi người nên để vòi nước chảy suốt cả ngày để phòng ngừa. Tiền điện của cô cũng tăng gấp ba so với các tháng trước vì phải bật điều hòa cả ngày để giữ ấm.
Thích nghi với thời tiết
Anh Huỳnh Anh Tuấn, thực tập sinh tại Aichi, cũng cho hay trời lạnh khiến tiền điện và tiền ga tăng lên. Ngoài ra, anh cảm thấy mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước và "không rõ có phải do biến đổi khí hậu không". "Mùa đông đi làm sẽ vất vả hơn một chút vì trời buốt, di chuyển khó khăn và dễ xảy ra tai nạn nếu không chú ý", anh nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, Võ Hồng Xuân Trang, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết những ngày tuyết dày gần đây khiến đường sá trơn trượt, giao thông ùn tắc dẫn đến tai nạn.
Dù sinh sống tại Hàn Quốc hơn ba năm nay, Trang cho biết cô vẫn chưa thích nghi được với thời tiết thay đổi đột ngột. Theo cô, nhiều khi hôm trước thời tiết đang vô cùng dễ chịu thì hôm sau nhiệt độ có thể rơi xuống mức âm, ảnh hưởng nhiều đến công việc và sinh hoạt.
“Có những ngày nhiệt độ rất thấp, các đường ống dẫn nước nóng bị đông lại, khiến việc lấy nước nóng rất khó khăn, đôi khi không có nước để tắm. Nhưng thời tiết lạnh cũng có cái hay, vì thời trang mùa này phong phú hơn hẳn nên ra đường thấy ai cũng đẹp”, Trang chia sẻ.
Khánh Như
Song đối với anh Nguyễn Thanh Long, thời tiết giá rét đã trở thành chuyện quen thuộc khi đã sống ở Nhật gần 10 năm nay. Anh cho biết mùa đông ở Nhật phân biệt rất rõ giữa các khu vực phía bắc nơi tuyết rơi dày và các khu vực từ Tokyo trở xuống nơi hầu như không có tuyết.
"Hồi xưa, khi còn đi học, làm công việc phát báo thì những ngày tháng 1, tháng 2 là lạnh nhất, nhưng tôi chỉ sợ nhất ngày mưa thôi, vì ướt người cộng với lạnh mới đáng sợ. Giờ tôi sống ở đây gần 10 năm rồi nên cũng khá quen và không nhất thiết phải mặc quần áo quá dày khi ra đường", anh Long, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Tokyo, cho hay.
Lam Vũ/Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/nguoi-viet-trong-gia-ret-muoi-nam-moi-co-mot-lan-o-nhat-185230204232952051.htm