Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Sẽ không bỏ lại ai phía sau trong quá trình số hóa
VOH - Sáng 4/10, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức chương trình Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023.
Sự kiện với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống” diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/10 tại TPHCM. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10.
Tại phiên khai mạc với chủ đề “Công nghệ số & Dữ liệu số - Công cụ đột phá Kinh tế số TPHCM”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cho biết công tác chuyển đổi số của TPHCM ngày càng tăng tốc, phát triển sâu rộng trên 3 trụ cột: "Chính quyền số", "Kinh tế số" và "Xã hội số".
"Chính quyền số" được lãnh đạo TP quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Khi chuyển đổi số thành công, nền hành chính sẽ hiệu quả hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế xã hội của TPHCM ngày càng phát triển.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thành phố tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: Dữ liệu về người dân; Dữ liệu tài chính – doanh nghiệp; Dữ liệu về đất đai – đô thị; mở rộng xây dựng hạ tầng số và tăng cường an toàn thông tin.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu: "Công nghệ trở thành 1 phần quan trọng của cuộc sống, nếu không tận dụng công nghệ, chúng ta gần như thua cuộc. Thành phố có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển và áp dụng công nghệ thông minh, thực hiện công tác chuyển đổi số hiệu quả, đảm bảo ứng dụng công nghệ giúp thành phố phát triển bền vững; không để ai bị bỏ lại phía sau do quá trình số hóa".
Kỳ vọng thành phố sẽ thực sự phát triển dựa trên nền khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ số. Không chỉ tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm mới mà cần tìm hiểu cơ hội, thách thức của công nghệ, nhìn rõ mặt tích cực, hạn chế tối đa khía cạnh tiêu cực, Phó Chủ tịch TP nói.
Trong năm 2022, kinh tế số tại TPHCM đạt doanh thu khoảng 1.479.227 tỉ đồng - chiếm tỷ trọng 19% đóng góp trong GRDP của thành phố. TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nâng đóng góp của tỷ trọng kinh tế số lên 25% và 40% vào năm 2030 – cao hơn mục tiêu quốc gia 5-10% - để tiếp tục là đầu tầu kinh tế cả nước.
Với tầm nhìn đến năm 2030, ngay từ năm 2018, khi xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử, TPHCM đã xác định: “Tận khai thác dữ liệu” là nhiệm vụ trọng tâm và Kho dữ liệu dùng chung là giải pháp thực hiện xuyên suốt đến năm 2025.
Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội nhấn mạnh: Số hóa trở thành yếu tố cốt lõi của việc kiến tạo quốc gia, công nghệ được xem là huyết mạch của nền kinh tế và người dân sẽ tương tác liền mạch với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Theo báo cáo xếp hạng do Bộ Thông tin Truyền thông công bố, năm 2022 TPHCM tiếp tục xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số DTI và đây là năm thứ 3 liên tiếp TPHCM là địa phương có quy mô và mật độ dân số trung bình cao nhất nước được đánh giá triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số và giải thưởng chính quyền số xuất sắc nhất.
Phi Yến/ VOH