Tăng biên chế theo dân số: Quản lý phải hợp thực tiễn

Published Date
27/03/2023

(PLO)- Với địa phương có tính đặc thù như TP.HCM, trung ương có thể giao cho chính quyền TP quyết định biên chế nhưng không làm phình to thêm bộ máy và tự chi trả lương cho cán bộ đó.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại ba TP lớn là TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng, Bộ Nội vụ đã đề xuất quy định số lượng biên chế công chức phường tại ba TP này được xác định theo quy mô dân số của phường. Đề xuất này là phù hợp, tạo độ mở cho các địa phương và cho thấy sự thay đổi tư duy về quản lý nhà nước dựa trên tình hình thực tiễn. 

Nhiều năm qua, tình trạng cào bằng biên chế giữa các địa phương, đặc biệt với một nơi có đặc thù như TP.HCM đã dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức ở những địa phương đông dân bị quá tải công việc, rất nhiều trường hợp đã nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực.

     
Tăng biên chế theo dân số: Quản lý phải hợp thực tiễn ảnh 1

TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM. Ảnh: NHẬT TIẾN

 

Theo quy định hiện nay, số biên chế công chức phường bình quân là 15 người, tính cho tổng số phường của mỗi quận, thị xã, TP thuộc TP. Trong khi đó, quy mô dân số của các phường chênh lệch rất lớn, khối lượng công việc không đồng đều.  

TP.HCM là địa phương đã nhiều lần có kiến nghị về vấn đề tăng biên chế theo quy mô dân số lên trung ương. Do vậy, đề xuất này của Bộ Nội vụ như một cú hích, tạo độ mở cho TP.HCM trong việc gỡ những khó khăn, giảm bớt phần nào áp lực cho cán bộ cấp cơ sở - nơi mỗi ngày phải giải quyết hàng trăm đầu việc. Đồng thời gỡ rối căn bản cho những phường có tỉ lệ dân số cao so với mật độ chung của cả nước. 

Tuy vậy, cũng cần xem xét tùy vào đặc thù của mỗi nơi, lượng công việc, hồ sơ giải quyết cũng có sự phức tạp khác nhau. Những địa phương có người nước ngoài sinh sống, hồ sơ, thủ tục đã khác; việc giải quyết các yếu tố liên quan đến người nước ngoài cũng khác.  

Hay những phường, xã đang quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nhân đông, lao động từ nhiều nơi khác đến thì việc quản lý tạm trú, tạm vắng hay nhân khẩu cũng có sự phức tạp khác với phường, xã khác…

Tiến hành một khảo sát nhỏ, rất dễ để thấy dường như “trăm dâu đổ đầu cán bộ phường, xã”. Có cán bộ phải đảm nhận từ việc hòa giải, giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong dân để giảm tải lên cấp cao hơn, chưa kể việc này mất nhiều thời gian, phải lui tới nhiều lần. Vì vậy, ngoài chỉ tiêu dân số, cũng cần xem xét mức độ phức tạp khác nhau tùy vào tính chất, đặc thù của từng quận, huyện, phường, xã.

Theo đề xuất, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở TP.HCM được đề xuất xác định. Cụ thể, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân, cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm một biên chế công chức. Phường thuộc TP có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân, cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm một biên chế công chức. Việc tính toán này mang tính cơ học, cũng cần dựa trên mô tả vị trí việc làm, quỹ tiền lương và biên chế.  

Nếu TP.HCM được chủ động để tự quyết định thêm 1-2 biên chế ngoài đề xuất của Bộ Nội vụ thì có được hay không? Bởi một địa phương có dân nhập cư đông và có nhiều biến động như TP.HCM thì sẽ “chật chội” nếu theo một khung chuẩn chung của cả nước.  

Thiết nghĩ, với những nơi có tính đặc thù thì trung ương có thể giao cho chính quyền TP quyết định dựa trên cơ sở không làm phình to thêm biên chế, để TP tự chi trả cho cán bộ đó dựa vào quỹ tiền lương.  

Với TP.HCM, nếu dự thảo được thông qua, trước mắt TP cần tạo điều kiện, tổ chức tuyển dụng, bổ sung nguồn lực tại chỗ ở xã, phường, thị trấn, nhất là những người hoạt động không chuyên trách. Tất nhiên, khi tổ chức tuyển dụng vẫn phải tổ chức bài bản để tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ, bảo đảm tính khách quan, không cục bộ, địa phương.  

Những người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn hiện nay là những người có năng lực, chuyên môn và đảm nhiệm khối lượng lớn công việc tại các xã, phường. Đây là nguồn lực tại chỗ rất tốt mà TP.HCM cần tận dụng. Họ đã quen, gắn bó với công việc nên khi được tạo điều kiện sẽ góp phần hiệu quả vào giải quyết công việc cho dân.

Theo TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM/Báo Pháp luật TP.HCM

https://plo.vn/tang-bien-che-theo-dan-so-quan-ly-phai-hop-thuc-tien-post724801.html