Thiếu trường lớp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cân nhắc xây dựng trường 'dã chiến'

Published Date
07/09/2023

Trước áp lực thiếu trường lớp diễn ra tại một số khu vực ở TP.HCM, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ tính đến phương án xây dựng trường 'dã chiến' nhưng đảm bảo an toàn, chất lượng.                                

                                                                         

Chủ tịch UBND TP.HCM cân nhắc xây dựng trường 'dã chiến' trước áp lực thiếu trường lớp - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi trao đổi cùng lãnh đạo huyện Bình Chánh hôm 5.9

NHẬT THỊNH

Trao đổi với lãnh đạo huyện Bình Chánh khi dự lễ khánh thành và khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Rạch Già (TP.HCM) hôm 5.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, trong tuần này, ông sẽ cùng Sở GD-ĐT triển khai kế hoạch xây dựng 4.500 phòng học mới đến năm 2025, tiến tới mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Ngoài huy động ngân sách để thực hiện, thành phố cũng sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hóa từ cộng đồng.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tính đến phương án xây dựng trường "dã chiến" tại một số khu vực đông dân cư để san sẻ áp lực thiếu trường lớp. Cụ thể, các trường "dã chiến" sẽ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định từ 5 đến 10 năm đến khi hết nhu cầu. Tuy gọi là "dã chiến" nhưng chất lượng phải tốt, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu dạy và học trước khi có trường mới, ông Mãi cho biết. Một trong những hình thức được các lãnh đạo đề ra là cải tạo lại nhà xưởng của doanh nghiệp.

Áp lực thiếu trường lớp hiện là thách thức TP.HCM đang phải đối mặt, trong bối cảnh mỗi năm thành phố tăng trung bình từ 20.000-40.000 học sinh. Trong buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT với lãnh đạo TP.Thủ Đức và các quận, huyện về công tác phối hợp nâng cao chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng vấn đề đất đai của thành phố rất khó khăn.

Chủ tịch UBND TP.HCM cân nhắc xây dựng trường 'dã chiến' trước áp lực thiếu trường lớp - Ảnh 2.

Trường tiểu học Rạch Già (huyện Bình Chánh) có mức đầu tư 131 tỉ đồng và rộng gần 12.000 mét vuông, là một trong những trường xây mới được đưa vào sử dụng trong năm học này

NHẬT THỊNH

Một trong những "điểm nghẽn" được đề cập là Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, với quy định trường tiểu học không quá 2 tầng, trường trung học không quá 3 tầng. Điều này khiến TP.HCM không thể "xoay xở" được đất xây trường.

Vì lẽ đó, người đứng đầu ngành giáo dục thành phố cho biết Sở GD-ĐT đã tham mưu với UBND TP.HCM nhằm kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 13, cho phép TP.HCM được tính trên diện tích sàn xây dựng trên mỗi học sinh và trường có thể có nhiều tầng và nâng tầng.

Trước đó, trong kế hoạch về xây dựng trường lớp, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025, tăng 3.537 phòng học so với hiện tại. Riêng năm học 2023-2024, thành phố đưa vào sử dụng 48 trường học, với tổng số phòng học xây mới là 512, tăng 367 phòng so với trước đó. Các trường học mới được đưa vào sử dụng tập trung ở các quận 5, 10, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và TP.Thủ Đức.                           

Theo Ngọc Long-nlong.bui@gmail.com/Báo Thành Niên

https://thanhnien.vn/thieu-truong-lop-chu-tich-ubnd-tphcm-phan-van-mai-can-nhac-xay-dung-truong-da-chien-185230906112019507.htm