TPHCM sẽ xây các trục giao thông ngầm để giảm kẹt xe

Published Date
14/01/2025

TPHCM sẽ phát triển các trục giao thông ngầm tại khu vực dọc sông Sài Gòn, ga Bến Thành, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm kẹt xe.

TPHCM sẽ xây các trục giao thông ngầm để giảm kẹt xe
                                                                                                TPHCM sẽ phát triển giao thông ngầm, giải bài toán kẹt xe. Ảnh: Minh Quân

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, thành phố hiện quản lý hơn 9,5 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu xe ôtô và gần 8,5 triệu xe máy. Nếu đem toàn bộ số phương tiện này ra xếp trên mặt đường, thì cần diện tích gấp đôi diện tích mặt đường hiện nay.

Mỗi năm, số lượng phương tiện tăng trung bình 6,5%, trong khi diện tích mặt đường chỉ tăng 0,2%. Đặc biệt, tại khu vực nội đô, diện tích đường bộ không có sự mở rộng trong suốt 5 năm qua.

TPHCM hiện có hơn 9,5 triệu ôtô và xe máy.  Ảnh: Minh Quân
                                                                                                  TPHCM hiện có hơn 9,5 triệu ôtô và xe máy. Ảnh: Minh Quân

Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ phát triển hệ thống không gian ngầm đa chức năng.

Hệ thống này không chỉ phục vụ giao thông mà còn hỗ trợ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

UBND TPHCM nhận định, khu vực trung tâm hiện không thể mở rộng đường bộ, trong khi nhu cầu vận tải ngày càng tăng.

Nếu phát triển giao thông trên cao sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị. Vì vậy, tận dụng không gian ngầm được xem là giải pháp tối ưu để phát triển hạ tầng giao thông.

TPHCM đã lên kế hoạch làm đường hầm dưới đường Tôn Đức Thắng (Quận 1).  Ảnh: Anh Tú
                                                                 TPHCM đã lên kế hoạch làm đường hầm dưới đường Tôn Đức Thắng (Quận 1). Ảnh: Anh Tú

TPHCM định hướng sẽ xây dựng các loại đường ngầm tùy theo điều kiện từng khu vực, như: kết hợp đường bộ và hạ tầng kỹ thuật điện, thông tin; kết hợp đường bộ với đường sắt; kết hợp đường bộ với thoát nước đô thị.

Trong đó, TPHCM xác định ưu tiên xây dựng đường ngầm kết hợp đường bộ với thoát nước đô thị, do tình trạng ngập lụt do mưa và triều cường ngày càng gia tăng trên địa bàn thành phố.

TPHCM cũng dự kiến thiết lập một mạng lưới không gian ngầm liên kết các nhà ga đường sắt đô thị với không gian thương mại ngầm và các tuyến đường tiếp cận đến các tòa nhà nằm trong khu vực.

Đáng chú ý, thành phố sẽ đề xuất một số trục giao thông ngầm như: tuyến dọc sông Sài Gòn đoạn qua Quận 1, Quận 4 và Quận 7; khu vực ga Bến Thành và đường Hàm Nghi; khu vực bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng; khu vực kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.

Mô hình đường hầm tại Vũ Hán, Trung Quốc.  Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM
                                                                               Mô hình đường hầm tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM

TPHCM đã tham khảo một số mô hình đường hầm hiệu quả trên thế giới.

Tại Vũ Hán, Trung Quốc, hai hầm đường bộ nối quận Hán Khẩu và Vũ Xương có chiều dài 4.660m, đường kính ngoài 15,2m mỗi hầm.

Đường hầm tích hợp hoàn hảo giữa đường cao tốc một chiều 3 làn xe và tàu điện ngầm trong cùng một ống, giúp giảm đáng kể áp lực giao thông qua sông Dương Tử. Thiết kế metro hai chiều bên dưới đường cao tốc 6 làn có chiều rộng chỉ 40m, tiết kiệm 120.000m² đất, giảm tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân và chi phí xây dựng.

Mô hình đường hầm thông minh tại Kuala Lumpur, Malaysia.  Ảnh: Sở
                                                                Mô hình đường hầm thông minh tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM

Tại Kuala Lumpur, Malaysia, đường hầm giao thông và điều tiết lũ (SMART) dài 9,7km, rộng 13m, hoàn thành năm 2007 với kinh phí 500 triệu USD, giải quyết đồng thời vấn đề ngập lụt và ùn tắc giao thông.

Đường hầm này cho phép ôtô con lưu thông một chiều mỗi tầng, giúp giảm thời gian di chuyển từ ngoại thành phía Nam vào trung tâm từ 30 phút xuống chỉ còn 5 phút. Đặc biệt, từ khi SMART đi vào hoạt động, Kuala Lumpur không còn bị ngập lụt như trước.

                                                                                                                                                                                                                 Minh Quân – Theo https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-se-xay-cac-truc-giao-thong-ngam-de-giam-ket-xe-1448983.ldo