Trường chuyên, tấm lưới an toàn và cơ hội nhìn thấy con trưởng thành qua chuỗi ngày thi cử
Khi con có nguyện vọng thi vào trường chuyên, tôi đã rất ủng hộ. Tôi luôn cho con một “tấm lưới” đủ an toàn để nếu mơ ước không thành, con cũng có một đường lùi...
Tôi là một học sinh chuyên, thuộc loại “gà nòi” suốt những năm học phổ thông. Tôi thật biết ơn khi mình đã từng được là học sinh chuyên.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, thời nay, câu chuyện trường chuyên vẫn rất nóng. (Ảnh: NVCC) |
Học chuyên Văn từ lớp 7, tôi không phải học đi học lại những bài trong sách giáo khoa. Chúng tôi được đọc rất rộng chứ không bị ép buộc. Thói quen đi thư viện gần như hằng tuần và tôi đọc tất cả những thứ mình tò mò, vượt ra ngoài mục đích thi cử.
Chúng tôi cũng không bị bắt học thuộc lòng văn mẫu. Tôi chưa từng biết đến văn mẫu là gì nhưng vẫn thường được điểm cao vì có cách nghĩ và cách viết không giống ai.
Tôi cũng không cảm thấy áp lực gì khi đi thi. Trong gia đình, bố mẹ tôi không có một chăm sóc đặc biệt nào ngay cả khi tôi bước vào những kỳ thi quan trọng nhất. Tôi thực sự rất biết ơn các thầy cô trường chuyên.
Trường chuyên vẫn "nóng"
Thời nay, bản chất của thi cử và trường chuyên có thể đã thay đổi. Điều gì đã khiến cho trường chuyên không còn là lựa chọn duy nhất? Phải chăng vì sự biến đổi của trường chuyên cũng như sự đa dạng hóa các loại hình trường học? Hay vì sự nâng cấp của các trường công cả về cơ sở vật chất và chất lượng những năm gần đây, đặc biệt là sự tham gia của trường tư thục, trường quốc tế vào trong hệ thống giáo dục?
"Thất bại trong một kỳ thi, nếu nhìn rộng ra, khó có thể nói là một thất bại. Nếu nhìn trong hành trình rộng lớn của một đời người, nó đơn thuần chỉ là một bài học". |
Nhưng trường chuyên vẫn rất "nóng". Chuyện học hay không học, luyện lò, đỗ trượt vẫn là những tin tức thời sự, đằng sau nó là biết bao "hỉ nộ ái ố" của cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên.
Là một người mẹ, khi con có nguyện vọng thi chuyên, tôi đã rất ủng hộ, mặc dù cũng có lúc con hoài nghi khả năng của mình, có lúc con nản chí, lười biếng. Nhưng việc theo đuổi một môn học mà con thích, với những thầy cô giỏi, bạn bè tốt, với vô vàn những bài tập thách thức, vượt ra ngoài khả năng của con đã mang lại cho con một số phẩm chất như sự kiên trì, vượt khó, nỗ lực.
Đi học về, tôi thường thấy con hào hứng kể về thầy cô, về các bạn. Những gì con học trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi giúp con có một tầm nhìn vượt ra khỏi không gian của lớp học. Nhưng tôi cũng biết cánh cửa vào trường chuyên rất hẹp. Nên tôi chuẩn bị sẵn cho con một trường học phù hợp, vừa sức. Tôi cho con thoải mái theo đuổi ước mơ của mình...
Luôn cho con một “tấm lưới” đủ an toàn
Tôi luôn cho con một “tấm lưới” đủ an toàn để nếu mơ ước không thành, con cũng có một đường lùi để thấy rằng, cuộc sống không bao giờ chỉ có một con đường duy nhất. Con thoải mái ước mơ, nhưng con cũng được quyền thất bại.
Quyền thất bại có lẽ cũng là một quyền quan trọng của trẻ. Với một cơ thể và trí óc chưa hoàn thiện, vẫn đang lớn dần lên từng ngày, với những trải nghiệm ít ỏi thì con chúng ta có quyền được vấp ngã và thất bại, có quyền chưa hoàn hảo, không hoàn hảo.
Tôi nghĩ, cuộc đời sở dĩ thú vị vì chúng ta chẳng bao giờ hoàn hảo, vì có một cái gì đó luôn vẫy gọi chúng ta tiến về phía trước, vì luôn có một cái để chúng ta học hỏi và cố gắng.
Hơn nữa, thất bại trong một kỳ thi, nếu nhìn rộng ra, khó có thể nói là một thất bại. Nếu nhìn trong hành trình rộng lớn của một đời người, nó đơn thuần chỉ là một bài học.
Vì thế, vấn đề đặt ra không phải là con đã sai lầm và kém cỏi chỗ nào, con đã thiếu cố gắng ở đâu, mà là con cảm thấy thế nào và học được gì từ trải nghiệm này. Đó có thể là một “cú hích” để tạo nên nội lực và bản lĩnh, cũng có thể là một cú đánh tàn nhẫn để dập tắt mọi niềm tin và hy vọng, tùy theo việc chúng ta ứng xử với nó.
Trong một khoảng hành lang rộng giữa một ước mơ viển vông nhất và một tấm lưới an toàn nhất đó, cả gia đình tôi đã có một “chuyến du lịch” vui vẻ qua tất cả các kỳ thi. Con tự bắt xe bus đi thi mà không cần đưa đón và kết thêm được nhiều bạn mới trên đường đi cũng như trong phòng thi.
Con tự xoay xở khi quên giấy tờ, thiếu đồ dùng học tập. Con tự tìm đường về nhà và hào hứng kể về những việc diễn ra khi đi lòng vòng qua tất cả các phương tiện từ xe ôm, xe bus để trở về nhà, gặp đủ mọi kiểu người từ một bác grab già đến một anh grab sinh viên Bách khoa tử tế.
Con gặt hái một số thành công và cũng nếm vị đắng của thất bại. Con khám phá ra nội lực của mình khi chiến thắng được những đề thi rất khó. Con hồ hởi chúc mừng chiến thắng của thằng bạn thân, trong khi mình thi trượt.
Và con cũng tự hào vì mình đã có một số chiến thắng ngoài mong đợi. Con ngày càng cảm thấy tự tin hơn vào bản thân mình. Chúng tôi đã háo hức chờ đón mỗi khi con ở phòng thi trở về nhà như xem một bộ phim hành động mà con là người hùng dấn thân vào hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác.
Không có sự hậm hực hay ghen tị khi người khác hơn mình, không có áp lực nhất định phải chiến thắng, không có sự kèm cặp chăm sóc khác thường…
Con trưởng thành qua chuỗi ngày thi cửChúng tôi cảm thấy mình đang chơi một game thực tế lớn mà mỗi phút giây đều là một trải nghiệm đáng giá. Và tôi có cơ hội nhìn thấy con mình trưởng thành lên, tự tin hơn, có bản lĩnh hơn qua chuỗi ngày thi cử. Cuộc sống vốn không có một lộ trình duy nhất. Hãy nhìn vào chính cuộc sống của bạn và những người xung quanh, nào có ai hoàn hảo, tuyệt đối hạnh phúc hay thành công? Chẳng phải tất cả chúng ta đều sống một cuộc đời không bao giờ hoàn hảo, luôn có những khiếm khuyết, luôn có những hối tiếc và day dứt, luôn có những vấp ngã và những quyết định sai lầm… |
TS. NGUYỄN THỊ NGỌC MINH