Tự hào 'truyền thống' ngoại giao Việt Nam tại Liên hợp quốc
Baoquocte.vn. Nhân dịp Ngày thành lập Ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2022), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ những thành tựu quan trọng của ngoại giao tại Liên hợp quốc thời gian qua, tiếp bước truyền thống đối ngoại quý báu của Việt Nam tại tổ chức đa phương quan trọng bậc nhất này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ cho biết những thành tựu, dấu ấn quan trọng mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua tại Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh?
Trước hết, xin được làm rõ hơn về những thành tựu quan trọng mà đối ngoại đa phương Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhất là tại LHQ.
Thứ nhất, chúng ta đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ liên quan nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế, diễn đàn đa phương, trong đó nổi bật là việc đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2021, 2021-2025, Hội đồng chấp hành Tổ chức Khoa học, giáo dục, văn hóa LHQ nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Luật thương mại quốc tế 2019-2025…
Với các cương vị đó, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, xây dựng, thực chất đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực xử lý những thách thức chung; đề xuất những ý kiến cân bằng, xây dựng, với những sáng kiến thực chất, góp phần thúc đẩy đồng thuận chung trong các cơ chế mà ta là thành viên.
Ví dụ, trong hai năm 2020-2021 làm thành viên HĐBA, Việt Nam đã đóng góp vào việc hình thành cách tiếp cận chung của HĐBA về nhiều điểm nóng, xung đột quốc tế như Nam Sudan, Ethiopia, Myanmar, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần nhấn mạnh cách tiếp cận tập thể, gia tăng điểm đồng.
Chúng ta cũng đề xuất và được các nước HĐBA ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến về nhiều vấn đề đang được quốc tế rất quan tâm, như thông qua Nghị quyết về vấn đề bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột, như trường học, bệnh viện, hay Tuyên bố chủ tịch HĐBA khẳng định việc cần tiếp tục nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh xung đột.
Thứ hai, các đóng góp của Việt Nam ngày càng được mở rộng, thực chất, cả tại các diễn đàn đa phương cũng như trực tiếp tại các điểm nóng. Cụ thể nhất là việc trong những năm vừa qua, ta đã tăng cường việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (HĐGGHB) LHQ, mở rộng cả về quy mô và loại hình tham gia, như việc cử bệnh viện dã chiến, đội công binh tới Nam Sudan, khu vực Abyei giữa Sudan và Nam Sudan, và mới đây nhất là lần đầu tiên có một số sĩ quan cảnh sát tham gia HĐGGHB LHQ.
Thứ ba, trên nhiều vấn đề toàn cầu rất thu hút sự chú ý của quốc tế, chúng ta cũng có những cam kết, hành động mạnh mẽ, vừa góp phần vào việc xử lý những lĩnh vực rất thiết thân đối với đất nước, vừa góp phần tạo xung lực cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đó.
Ví dụ điển hình nhất là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về mức bằng không vào năm 2050. Ta cũng tham gia nhiều nhóm nòng cốt, tích cực đi đầu về thúc đẩy hành động chung của quốc tế trong nhiều lĩnh vực quan trọng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tôn trọng và đề cao luật pháp quốc tế, luật biển, phòng chống dịch bệnh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Những thành tựu, dấu ấn đó có ý nghĩa như thế nào đối với vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thưa Đại sứ?
Những thành quả quan trọng nêu trên rất có ý nghĩa đối với vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, trực tiếp là tại LHQ.
Các nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương đã giúp làm nổi bật hơn những thành tựu lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, cho thấy rõ hơn đường lối độc lập, tự chủ, cách ứng xử hài hòa, cân bằng, xây dựng trong bối cảnh tình hình quốc tế và tập hợp lực lượng tại các diễn đàn đa phương diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: "Các nước thấy rõ hơn năng lực nắm bắt, xử lý các vấn đề của Việt Nam, cũng như khả năng của ta trong đề xuất và theo đuổi các sáng kiến và cách tiếp cận có giá trị tích cực đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế". |
Thông qua đó, các nước thấy rõ hơn năng lực nắm bắt, xử lý các vấn đề của Việt Nam, cũng như khả năng của ta trong đề xuất và theo đuổi các sáng kiến và cách tiếp cận có giá trị tích cực đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế. Những kết quả đó sẽ giúp tạo thêm cơ sở cho sự tham gia sâu hơn của ta trong các vấn đề quốc tế, cho việc triển khai hiệu quả Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong thời gian tới, cụ thể tại LHQ, Việt Nam có những ưu tiên trọng tâm nào để tích cực tham gia, đóng góp nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự chung của cộng đồng quốc tế và nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối với các thách thức toàn cầu, thưa Đại sứ?
Để có những đóng góp phù hợp tại LHQ trong thời gian tới, các đơn vị liên quan đối ngoại đa phương nói chung, trực tiếp là các đơn vị của Bộ Ngoại giao luôn xác định các trọng tâm, ưu tiên, cũng như các biện pháp, vừa đáp ứng các nhu cầu, lợi ích quan trọng của đất nước, vừa góp phần thỏa đáng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với các thách thức chung.
Trên cơ sở đó, thời gian tới chúng ta sẽ ưu tiên thúc đẩy một số trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tích cực đóng góp vào các nỗ lực của LHQ, các nước thành viên trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhất là trong các vấn đề trực tiếp liên quan khu vực, như cùng các nước ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác về vấn đề Myanmar. Việc ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ cũng sẽ tiếp tục được mở rộng tại các địa bàn khác nhau có triển khai các Phái bộ của LHQ.
Thứ hai, các hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng tại LHQ cũng sẽ là một trọng tâm, lớn nhất là các hội nghị với chương trình nghị sự rộng rãi, có nhiều tác động tới các nước thành viên, như Hội nghị Thượng đỉnh tương lai (dự kiến cuối năm 2023), Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục (9/2022), Hội nghị thượng đỉnh giữa kỳ kiểm điểm việc thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững (9/2023), Hội nghị Thượng đỉnh về nước (3/2023)…
Chúng ta cũng đang cùng nhóm các nước nòng cốt thúc đẩy một Hội nghị cấp cao LHQ về nâng cao khả năng ứng phó với các đại dịch của thế giới. Để tiếp tục có thêm điều kiện đóng góp vào công việc chung của LHQ, ta cũng sẽ tiếp tục vận động ứng cử làm thành viên một số cơ quan, tổ chức quan trọng, trong đó có ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Thứ ba, Việt Nam sẽ phát huy vai trò tích cực hơn nữa trong thúc đẩy việc thực hiện các chương trình nghị sự quan trọng như thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ hơn và thực hiện các cam kết đã có về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quốc tế dành cho các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn… Việc tham gia các lĩnh vực quan trọng nêu trên cũng nhằm mục tiêu tranh thủ thêm các nguồn lực, ủng hộ, hỗ trợ quý báu của quốc tế đối với việc thực hiện phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, để có sự chuẩn bị dài hạn trong 10 năm tới và xa hơn nữa, các đơn vị liên quan công tác đối ngoại đa phương nói chung, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nói riêng, cũng đang xây dựng thêm các kế hoạch, lộ trình cụ thể, các cách làm đa dạng hơn nữa, để chúng ta có thể có thêm những đóng góp hiệu quả, thực chất hơn cho công việc của LHQ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại Hội nghị lần thứ 32 Các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) tháng 6/2022. (Ảnh: TA) |
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Nhìn lại hành trình 45 năm ấy, Đại sứ cảm nhận như thế nào về “truyền thống” ngoại giao Việt Nam tại tổ chức đa phương quan trọng này?
Nhìn lại 45 năm Việt Nam tham gia các công việc chung nhiều ý nghĩa của LHQ, chúng ta có thể thấy rõ hơn về giá trị quý báu, lâu dài của những đóng góp của ngoại giao Việt Nam tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu.
Với những đóng góp qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ những giai đoạn rất khó khăn của đất nước trong những năm 1980 đến giai đoạn có nhiều phát triển như hiện nay, ngoại giao Việt Nam tại LHQ đã giúp tạo thêm nhiều thiện cảm của các nước, bạn bè quốc tế, giúp tranh thủ thêm được nhiều sự hợp tác, hỗ trợ quý báu cả về chuyên môn, kinh nghiệm, nguồn lực các mặt khác nhau, qua đó vừa góp phần đắc lực cho đất nước trong việc vượt qua các khó khăn trong giai đoạn trước và đầu Đổi mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong gần 40 năm qua, vừa bổ sung chặt chẽ với các mặt trận ngoại giao khác như Đối ngoại Đảng, ngoại giao Quốc hội, ngoại giao nhân dân, ngoại giao song phương, góp phần không ngừng tăng cường thế và lực của đất nước.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: "Qua quá trình tham gia kiên trì, bền bỉ, tích cực trải dài 45 năm, các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam tại LHQ đã để lại nhiều bài học quý báu cho các lớp cán bộ ngoại giao hiện tại và tương lai". |
Cũng qua quá trình tham gia kiên trì, bền bỉ, tích cực trải dài 45 năm như vậy, các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam tại LHQ đã để lại nhiều bài học quý báu cho các lớp cán bộ ngoại giao hiện tại và tương lai, như bài học phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, kiên trì, kiên quyết bảo vệ nguyên tắc và những lợi ích quan trọng của đất nước, song cũng mềm dẻo, khéo léo, thành thạo các thủ tục, cách làm ngoại giao đa phương.
Đó còn là bài học về việc cần kết hợp giữa việc bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời coi trọng thỏa đáng lợi ích của các nước bạn bè, các quan tâm chung chính đáng của cộng đồng quốc tế.
Những đóng góp đáng tự hào và những nền tảng quan trọng đó sẽ là cơ sở quan trọng để đối ngoại đa phương nói chung, ngoại giao Việt Nam tại LHQ nói riêng tiếp tục kế bước các thế hệ đi trước, đạt được những thành quả mới trong thời gian tới, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của công tác đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
https://baoquocte.vn/tu-hao-truyen-thong-ngoai-giao-viet-nam-tai-lien-hop-quoc-195947.html
PHƯƠNG HÀ/Baoquocte.vn