Việt Nam vượt lên khó khăn năm 2021 với tư thế ngẩng cao đầu
Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 nhanh chóng trong năm 2021. Ảnh: AFPĐối với Việt Nam cũng như với toàn thế giới, 2021 là một năm không giản đơn. Nhưng Việt Nam đã vượt lên khó khăn với tư thế ngẩng cao đầu - Sputnik nhận định.
"Việt Nam lại khiến thế giới ngạc nhiên" là nhan đề bài viết của tác giả Elena Nikulina đăng trên Sputnik ngày 18.12.
"Lạc quan và tin tưởng - có cảm giác như vậy sau khi đọc các bài viết và thông tin về Việt Nam mà các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài đăng tải trong tuần qua" - tác giả viết.
Việt Nam, Ấn Độ và Nga
Thời báo Kinh tế Ấn Độ Economic Times phân tích mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tới Ấn Độ. Chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được tổ chức trùng với dịp kỷ niệm 5 năm ký kết thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, giao thương hai chiều hàng năm tăng trưởng 20% và năm nay cán mốc 12 tỉ USD. Quan tâm đặc biệt trong thời gian chuyến thăm được dành cho nội dung phát triển hợp tác đầu tư và kinh tế số.
Tờ The Times of India - một trong những tờ báo được đọc nhiều nhất không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên khắp thế giới - đăng tải ý kiến của ông S.D. Pradhan, cựu chủ tịch Ủy ban tình báo chung của Ấn Độ, nhận xét rằng chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Ấn Độ, là sự kiện mang ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi cả Ấn Độ và Việt Nam đều có quan hệ rất gần gũi với Nga, và việc tham gia tích cực của Nga vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể là minh chứng vô giá.
Những con số ấn tượng bất chấp thách thức
Tác giả bài viết trên trang Vietnam Briefing cho rằng Việt Nam đã tạo nền tảng cơ sở cụ thể để phục hồi sức mạnh vào năm 2022, mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho tăng trưởng GDP là từ 6-6,5%. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến đà phát triển của đất nước trong năm 2021. Nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, Việt Nam đang phô diễn những kết quả đáng kinh ngạc. Tính đến ngày 16.12, 61,2% cư dân cả nước đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ, so với mức chưa đầy 3% hồi tháng 7 quả thực là bước tiến dài!
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt hơn 660 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, như tờ The Star cho biết, trong đó 86% kim ngạch xuất khẩu đến từ các mặt hàng công nghiệp tái chế. Mỹ tiếp tục là khách hàng lớn nhất mua sản phẩm Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ tăng 22%. Tiếp theo là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tờ The Star gọi số hóa là chìa khóa then chốt để khôi phục nền kinh tế của đất nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời cũng phân tích lý do tại sao về chỉ số này Việt Nam vẫn thua kém so với các nước láng giềng trong khu vực.
KR-Asia có bài viết rằng nền kinh tế số của Việt Nam đã tăng 53% từ năm 2020 đến năm 2021, nhờ vào đà gia tăng số lượng người dùng mới của các dịch vụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang bị chi phối bởi hai công ty nước ngoài là Shopee và Lazada, còn các công ty sở tại trong nước đang huy động mọi nỗ lực để cạnh tranh với họ.
Lexology viết về những ưu thế lợi ích cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân sử dụng hình thức liên lạc 5G, đang được coi là động cơ chính giúp thế giới vươn lên thịnh vượng và đảm bảo an ninh trong tương lai.
Còn IXBT phản ánh hoạt động của Samsung Electronics và Viettel, bắt đầu thử nghiệm 5G thương mại tại Đà Nẵng.
Tờ Business Wire công bố tin Air Lease Corporation (ALC) - công ty hàng đầu của Mỹ về cho thuê máy bay - vừa cùng Vietnam Airlines ký kết thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện liên quan đến việc thuê 18 máy bay, gồm 12 chiếc Airbus A321 và 6 chiếc Boeing B787-10 trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng.
Trong khi đó Reuters đưa tin, Vingroup đã bắt đầu xây dựng nhà máy trị giá 174 triệu USD trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để sản xuất ắc-quy dành cho xe điện VinFast, dự kiến cung cấp cho các thị trường phương Tây.
Yahoo Finance kể chuyện một công ty startup Việt Nam với kỹ thuật học tập mới sử dụng tiền mã hóa (cryptocurrency) là một dạng của tiền mật tính điện tử hoặc tiền kỹ thuật số, tiền ảo, để thu nhận động lực mạnh mẽ hơn và giảm bớt căng thẳng khi học trực tuyến online.
Năng lượng sạch
Các phương tiện truyền thông quan tâm nhiều đến vấn đề năng lượng của Việt Nam. LNG Industry viết về việc tập đoàn B. Grimm Power của Thái Lan và Siemens Energy tham gia vào dự án Mỹ sản xuất điện từ LNG ở Bình Thuận. Dự án sẽ tạo ra tới 3.600 MW điện, sử dụng 3 triệu tấn LNG mỗi năm.
Tờ Pinsent Masons thông báo rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét khả năng cho phép tất cả các khối của nền kinh tế, bao gồm cả khu vực tư nhân, được quyền xây dựng lưới điện truyền tải.
Còn Recharge News đăng bài viết về bước đột phá trong sản xuất điện gió và những thách thức do sắp hết hạn dành cho áp dụng biểu giá ưu đãi, vốn đang là yếu tố xung lực kích thích bước đột phá này.
Thể thao và nghệ thuật
Nhiều ấn phẩm thể thao thế giới đăng tải các bài viết về trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam, đánh giá cao phong độ thể thao của các tuyển thủ Việt Nam.
Cổng thông tin Krasnaya Vesna của Nga dành bài viết về nghệ thuật múa xoè Thái cổ truyền của dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong tuần này đã trở thành chủ thể di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được đưa vào danh sách của UNESCO.
"Năm 2021 sắp kết thúc. Đối với Việt Nam cũng như với toàn thế giới, 2021 đã là một năm rất không giản đơn. Nhưng Việt Nam đã vượt lên khó khăn với tư thế ngẩng cao đầu!" - Sputnik kết luận.
https://laodong.vn/the-gioi/viet-nam-vuot-len-kho-khan-nam-2021-voi-tu-the-ngang-cao-dau-986050.ldo